Bạn làm gì với cuộc đời mình?

Bạn làm gì với cuộc đời mình?

Những ngày đầu năm, đền chùa nào cũng đông nghịt người đi cầu cúng cho gia đình, bản thân được bình an khỏe mạnh, hầu như ai cũng mong muốn được sống an yên, nhưng làm thế nào để được An? Chắc chắn là phải khỏe mạnh mới có an yên, điều đó không nói ra ai cũng biết, nhưng làm gì để được khỏe mạnh thì không phải ai cũng làm đúng cách. Vậy bạn đã làm gì với đời mình?  

Mọi chuyện bắt đầu từ lối sống mất cân bằng!

Lối sống ngày nay là stress và trầm cảm: Với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, của mục tiêu cá nhân cùng tham vọng điên cuồng, đẩy con người đến chổ không còn biết mình là ai, cần gì, muốn gì, mình sống để làm gì… Người ta chạy theo những công thức thành công.  Khi chưa hoặc không đạt mục tiêu, người ta cảm thấy mình vô giá trị, thất vọng, chán nản, mặc cảm, mất định hướng, như là cuộc đời đã kết thúc, đã bế tắc.

Hiện nay bệnh trầm cảm là căn bệnh thế kỷ, nó tăng vùn vụt mỗi năm. Thế giới cảnh báo vào năm 2020 tỷ lệ người mắc trầm cảm sẽ tăng đều khoảng 15 – 20% dân số thế giới, tăng mạnh ở các nước đang phát triển. Cho nên người ta cứ lao vào vòng xoáy đời sống với sự bận rộn, sống và làm như một cái robot đã lập trình sẵn, bỏ qua mọi nhu cầu của cảm xúc, của lắng nghe cơ thể, của sự phản hồi thông tin từ bộ não và những cơn co thắt, dồn dập của trái tim mỏi mệt.

Lối sống ngày nay là làm yếu đuối, hủy hoại cơ thể; từ thể lý đến tinh thần. Rõ ràng là chúng ta ngày qua ngày chỉ biết rút cạn kiệt năng lượng sống của mình cho những mục tiêu ảo tưởng, cho lối sống vội, những cơn yêu cuồng, mà không làm gì để nạp lại năng lượng sống cho bản thân. Cho nên, mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta lê tấm thân nặng nề, với cơ thể mỏi mệt, gương mặt đầy cáu gắt, ánh mắt sân hận, hờn ghen, đố kỵ, cùng cái đầu đầy những suy nghĩ hắc ám, tăm tối của ham muốn, tính toan… Rốt cuộc, là một cơ thể rịu rã từ thể xác đến tâm hồn, cho đến khi cơ thể không oằn mình gánh chịu nỗi nữa, nó phản ứng ra bằng những cơn đau, những chứng bệnh, mà phải vất vả lắm các bác sĩ mới tìm ra, chẩn đoán đúng, việc chữa trị vô cùng gian nan và không ít đau đớn, tốn kém…

Lối sống ngày nay của đa số là ăn vội, ăn trong sự thiếu tỉnh thức, không có chánh niệm, ăn thực phẩm chứa chất độc hại từ các nguồn cung cấp thực phẩm không bảo đảm hợp vệ sinh và lành mạnh. Vì với bất kỳ nguồn thực phẩm có tính chất thị trường liên quan đến số lượng lớn, phải bảo quản trong thời gian dài, nhìn thu hút và gây mãn nhãn đều có chứa hóa chất bảo quản, tẩm ướp những màu sắc… những hóa chất gây độc hại cho cơ thể, chúng được cơ thể thẩm thấu từ từ, qua rất nhiều nguồn, nhiều ngày, từ nguồn nước không sạch, nước giải khát, rau xanh, trái cây, thịt cá, đến không khí ô nhiễm.

Lối sống ngày nay là thức khuya. Kể từ khi Smartphone xuất hiện và internet được xem là phương tiện cho thông tin đại chúng. Sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội đã làm đảo lộn mọi giờ giấc sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của nhân loại. Chúng ta cứ sa đà vào mạng xã hội và tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian trên cái xa lộ thông tin vô cùng hấp dẫn quyến rũ đó. Vậy là chúng ta hồn nhiên thức khuya chỉ để đọc, chơi, sao chép… Có biết đâu cơ thể chúng ta là một thực thể tinh vi, nó làm việc ngày đêm theo chuỗi đồng hồ sinh học của nó, giờ nào việc nấy, quy luật làm việc của cơ thể đã cấu trúc nên ngày và đêm, thức và ngủ, để cho các hệ điều hành trong cơ thể hoạt động chế tạo, sản xuất, điều tiết các chất cung cấp cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Với việc thức khuya, chúng ta cứ hồn nhiên phá vỡ quy luật đó, lâu dần cơ thể bị rối loạn, nó phản ứng lại bằng rất nhiều bệnh tật phát sinh: hệ miễn dịch yếu, gan thận suy, tim mỏi mệt, não mất trí nhớ, cơ thể không bài độc được lâu dần tích lũy ung bướu…

Làm thế nào để cân bằng?

Đời thay đổi khi ta thay đổi!

Mỗi cuộc đời con người đều có một deadline riêng, nhưng cũng chỉ là một con số giới hạn nào đó của thời gian sống và làm việc, trải nghiệm. Cuộc đời không miên viễn cho chúng ta tồn tại mãi với thời gian, để thực hiện mọi ước mơ tham vọng. Vậy nên chúng ta cần tận dụng tối đa thời gian sống trong deadline của mình cho hiệu quả. Và cách sống hiệu quả nhất là duy trì cho cơ thể và tâm trí một sức khỏe bền bỉ, sáng suốt, trong lành, định tĩnh…

Làm điều đó như thế nào?

Cả thế giới đang bàn đến các giải pháp tinh thần, và thiền định luôn là đơn thuốc thần kỳ làm hồi sinh năng lượng sống cho con người. Tại sao là Thiền định? Câu trả lời là: chính khi thực hành thiền, chúng ta mới có thời gian lắng lại để quan sát cảm xúc và lắng nghe hơi thở của mình, hơi thở trong chánh niệm, chậm, chắc, sâu, sẽ giúp tái tạo lại nguồn năng lượng mới, tích cực, trong lành, mạnh khỏe. Ngày nay người ta khám phá ra rằng thể khí là quan trọng nhất cho sức sống của con người. Ngoài ra còn có rất nhiều cách, tùy theo tính cách, thói quen, sở thích, cơ điạ của mỗi người mà chúng ta sẽ chọn cho mình cách cân bằng phù hợp. Nhưng dù là cách gì thì có những yếu tố thuộc về nhận thức sau đây cần phải có:

  • Bạn phải thực hành và trải nghiệm để nhận biết những nghịch lý trong tâm của mình. Chúng ta đạt được những mục tiêu, hay sở hữu vật gì đó, có một mối quan hệ tình cảm nào đó, chúng ta vui mừng hạnh phúc trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng khi mất vật đó, người thương đó, chúng ta đau khổ, phiền muộn rất lâu. Tại sao vậy? Là khi chúng ta quá tập trung vào bản thân mình, vào những điều ta muốn, ta sẽ không thấy được những gì mình đang sở hữu, mà chỉ thấy những gì mình đã đánh mất và không có được.
  • Khi đối mặt với căng thẳng, bạn phải biết đánh lạc hướng suy nghĩ của mình ra khỏi đối tượng gây căng thẳng. Bằng cách gởi thông điệp tích cực cho bản thân. Khi gặp khó khăn, hãy tự hỏi bản thân rằng mình có giải pháp chưa, nếu có thì không cần lo lắng lãng phí, nếu không thì lo lắng có ích gì? Bạn phải biết rõ một điều rằng, bạn chính là chủ nhân của số phận bạn, là vị chỉ huy của tâm hồn bạn!
  • Từ bỏ những suy nghĩ so sánh: mỗi khi gặp khó khăn, đừng bao giờ khởi lên ý nghĩ so sánh bản thân với người khác. Căng thẳng và áp lực không khởi nguồn từ hoàn cảnh, chúng xuất phát từ thái độ và cách bạn nhìn nhận hoàn cảnh đó!
  • Cần thường xuyên thanh lọc Thân – Tâm: Khi phiền não phát sinh trong tâm chúng ta, chúng đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực trong cơ thể, từ đó tạo ra nhiều bệnh tật thể lý và tâm lý. Nên chúng ta cần nhận biết thân và tâm của mình thường xuyên để tránh nuôi dưỡng những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực quá nhiều.

Bạn chỉ có một cuộc đời để sống và trải nghiệm, tận hưởng và cho đi. Hãy sống tận từng giây phút của cuộc đời bằng sự khôn ngoan, thấu hiểu, trong sự khỏe mạnh và sung mãn, để bảng kế hoạch cuộc đời được phân bổ cân bằng và để không phí hoài một kiếp sống rất đặc biệt, độc đáo và duy nhất của mình! Để khi từ giã cuộc đời này, bạn sẽ mĩm cười mãn nguyện vì biết mình đã sống một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa và hạnh phúc!

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Chuyên gia tư vấn & đào tạo Tâm lý Hồn Việt

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

Gia Đình