Cớ sao chuyện gì cũng quên?

Cớ sao chuyện gì cũng quên?

Đãng trí, thậm chí lú lẫn, thường được mặc định như chuyện khó tránh của người cao tuổi. Dễ hiểu vì khi về già mấy ai không là nạn nhân của thiểu năng tuần hoàn não khiến dẫn truyền thần kinh khó ổn định, tế bào não dễ thiếu dưỡng khí … Kẹt, nói đúng hơn éo le, nói thẳng thừng hơn, bẽ bàng chính ở chỗ: nhiều đối tượng hãy còn rất trẻ, bề ngoài coi còn khỏe, tuổi đời trên giấy tờ còn đường ăn thua, nhưng lại quên trước, quên sau hơn cả ông bà! Chuyện không chỉ ở nước mình. Bằng chứng là các y sĩ đoàn ở châu Âu đã đồng thanh cảnh báo về “hội chứng sa sút trí tuệ” ở người chưa già chắc chắn là áp lực lâu dài trên sức khỏe cộng đồng.

Thực trạng trên, nói huỵch toẹt hơn, thảm trạng đó đang hoành hành vì càng lúc càng đông ứng viên tiềm năng của tình trạng dưới đây:

  • Quên ngay chuyện vừa mới nghe cho dù trước đó cố tình lắng nghe!
  • Không nhớ nổi số điện thoại vừa gọi, mặc dầu đã gọi nhiều lần!
  • Không thể đọc ngược hàng số gồm 9 số, dù không đầy một phút đã đọc nhẩm đến thuộc lòng!
  • Bất thình lình không thể tiếp tục tập trung vào chuyện định nói, tuy đã chuẩn bị kỹ càng trước đó!
  • Không nhận diện được gương mặt biết là có quen nhưng quên mất là ai!

Mách phải có chứng. Thống kê thực hiện trong năm 2019 ở Trung Tâm Oxy Cao Áp Tp. HCM với 200 doanh nhân trẻ cho thấy:

  • 70% nạn nhân của hội chứng đãng trí mau quên là người dưới tuổi 40.
  • 50% trong số đó là nữ giới với huyết áp thấp.
  • 40% trong số đó là nam giới với lượng acid uric trong máu cao hơn định mức bình thường vì mạnh miệng với rượu bia.

Số nạn nhân này vì nhu cầu phải giữ phong độ trên đường đua còn rất dài, nên tất nhiên phải tìm cách hà hơi cho bộ não. Họ vì thế dễ là miếng mồi ngon của các loại sản phẩm được đặt tên nghe êm tai là thực phẩm chức năng. Điều đáng nói là tiền mất cho món cứ như thuốc thì nhiều nhưng tật vẫn mang!

Tại sao? Lý do không có gì quá khó hiểu:

  • Tín hiệu nào cũng thế, vui hay buồn cũng vậy, muốn gắn chặt vào ký ức phải có đủ cường độ về cảm xúc, âm thanh, hình ảnh … để vượt qua rào cản của não bộ. Nhớ sao cho nổi dù có ngốn cả ký thuốc bổ nếu kích ứng ghi nhận toàn là chuyện không hề có chiều sâu mà chỉ bọc bề ngoài hào nhoáng!
  • Tín hiệu chỉ được giữ lại trong danh sách chờ xét tuyển vào bộ nhớ nếu không bị xóa ngay bởi kích ứng khác đến sau nhưng dồn dập hơn về tần số, mãnh liệt hơn về cường độ. Người có cuộc sống quá căng thẳng dễ đãng trí vì chưa kịp nhớ chuyện này đã nhồi chuyện khác. Hậu quả là chưa kịp nhớ đã quên, vừa quên lại phải cố nhớ chuyện khác. Không giải quyết được vấn đề này thì thuốc thánh cũng bằng không!
  • Tín hiệu đang khập khểnh trên đường vào bộ nhớ có thể bị xoá dễ dàng nếu cơ thể thiếu một số khoáng tố vi lượng, đứng đầu là kẽm. Khoáng tố này lại dễ thiếu hụt, phần vì không được dự trữ, phần vì mau cạn kiệt nếu tuyến thượng thận phải hoạt động liên hồi trong tình huống stress ơi stress ở chẳng thèm về.

Éo le hơn nữa khi thiếu kẽm vì đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ quả nhiêu khê. Bằng chứng là 10 người đãng trí hết 9 người rụng tóc, 8 người dễ gãy móng tay, 7 người yếu sinh lý… cho dù đủ ăn đủ mặc nhưng thiếu kẽm. Nếu tóc lạnh lùng ra đi không thèm từ giã, nếu chuyện trăng sáng vườn chè trên biểu dưới tỉnh bơ, nếu nước da tốn tiền triệu cho mỹ phẩm nhưng vẫn lão hóa trước tuổi thì trí nhớ dễ gì không thui chột.

Không khó để bổ sung kẽm. Gian nan trăm bề chính là làm sao có được cuộc sống đừng mau cạn kiệt kẽm vì gia chủ chính là thủ phạm “không xì-trét không về”! Chuyện không của riêng ai đã rõ từ lâu, nhưng quả thật khó tìm ẩn số vì đèn nhà ai nấy sáng!

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

 

 

 

Gia Đình