Múa Kiều – Có một Thúy Kiều đến từ Hàn Quốc
Tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du một lần nữa lại trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật múa, lần này đặc biệt hơn, “Múa Kiều” được Đạo diễn Sun-Goo Jung và Biên đạo múa Yoo-Oh Chun đến từ Hàn Quốc dàn dựng vừa công diễn vào cuối tuần qua thực sự đưa khán giả đến với một không gian nghệ thuật khác lạ.
Poster của Vở “Múa Kiều”
Điểm thú vị chính là vở diễn đã xây dựng hình tượng 3 nàng Kiều với 3 thân phận, 3 giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai bằng thủ pháp dàn dựng đan xen, đi cùng với sự kết hợp ăn ý và vô cùng đặc sắc giữa Ca Trù của Việt Nam do Nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoài và Hát của Hàn Quốc do nghệ sỹ Kwon-Soon Kang phối hợp biểu diễn đã mang lại không gian thêm màu sắc của thi ca.
Phân đoạn Kiều gặp Kim Trọng
Cách thức dàn dựng câu chuyện lớp lang theo kiểu opera, ngôn ngữ thể hiện là ngôn ngữ múa giao thoa giữa múa hiện đại, múa ballet và múa lụa của Hàn Quốc, vở diễn không chỉ khiến khán giả nắm bắt nội dung một cách dễ hiểu nhất bằng giọng đọc các câu thơ trích đoạn từ tác phẩm Kiều mà cách thức dàn dựng và sử dụng ánh sáng rất đẹp, có thể thấy ekip từ Hàn Quốc đã thể hiện rõ khả năng dàn dựng chi tiết đến từng tiểu tiết.
Phân đoạn Kiều lưu lạc chốn phong trần
Điểm cộng khác của vở diễn chính là trang phục được thiết kế riêng cho vở diễn vừa mang tính truyền thống Việt Nam với chất liệu lụa trên nền tạo hình chiếc áo dài nhưng được cách tân một chút, pha vào đó là hình ảnh của Hanbok – trang phục truyền thống của Hàn Quốc.
Trang phục của vở diễn
Đặc biệt, phông nền sân khấu do nghệ sỹ Sun-Young Hwang chế tác hình họa được lấy hình tượng mặt trời và mặt trăng cho phần quê hương của Kiều và bước đường phong trần, khi Kiều đã bế tắc đến đường cùng, quuyeest gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn và được cứu thì hình ảnh được biểu thị thành chiếc thuyền.
Vở Múa Kiều được kết bằng trích đoạn thơ:
“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
“Cùng với tác giả, tôi hi vọng rằng Kiều – người phụ nữ xinh đẹp với trái tim nhân hậu sẽ như dòng sông luôn chảy mãi trên trái đất này” – Trích nguyên văn lời phát biểu của biên đạo Yoo-Oh Chun
Một phân cảnh của vở Múa Kiều
Phân đoạn Kiều tự vẫn và được ni sư Giác Duyên cứu
Nói về Múa Kiều không thể không nói về biên đạo Yoo-Oh Chun – người đã tận tụy mang đến mối lương duyên kết nối giữa nghệ thuật múa Hàn Quốc và Việt Nam, cô cũng là người bảo trợ cho các nghệ sỹ múa của Nhà hát Tp.HCM để các nghệ sỹ có thể chuyên tâm với nghề. Biên đạo Yoo-Oh Chun quan tâm nhiều đến thân phận phụ nữ, ngoài vở Múa Kiều, cô còn dàn dựng các vở khác như: Mỵ Châu Công Chúa, Huyền Thoại Nữ Nhân…
Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng – Cố vấn chuyên môn cho nhóm múa Y.O Saigon Dance chia sẻ: “Khi nhận lời cộng tác với cô Yoo-Oh Chun với tư cách là huấn luyện và cố vấn chuyên môn cho nhóm múa để xây dựng vở Kiều, cô Oh tạo cho tôi sự tin tưởng và ngạc nhiên về cách chuẩn bị, từng bước nhỏ nhặt nhất về chuyên môn cũng như về con người thực hiện: tất cả cùng với nhau trao đổi về ý tưởng, cùng lắng nghe nhau trong cách xây dựng vở múa”.
Biên đạo múa Yoo-Oh Chun
Biên đạo Nguyễn Phúc Hùng
Với 3 diễn viên trong vai Thúy Kiều: Trần Hoàng Yến, Phan Tiểu Ly và Nguyễn Thu Trang thì việc khó khăn nhất chính là nuôi dưỡng cảm xúc để có thể phiêu cùng nhân vật, cảm nhận nỗi đau và sự bất lực của Kiều trước những phong ba trên bước đường đời. Cả 3 diễn viên đều cho biết đã được sự hướng dẫn tận tụy của 2 biên đạo Yoo-Oh Chun và Nguyễn Phúc Hùng, đặc biệt, đây là lần biểu diễn thứ hai, nhiều cảm xúc đã được làm mới lại để các diễn viên có thể tỏa sáng trên sân khấu.
Biên đạo Yoo-Oh Chun và 3 diễn viên đóng vai Thúy Kiều trong buổi ra mắt báo chí
Với những cống hiến thầm lặng, biên đạo múa Yoo-Oh Chun không phải chỉ mang đến cho khán giả những vở múa nghệ thuật được chăm chút và dàn dựng công phu mà chính từ chữ Tâm mới giúp cô cảm nhận và tạo dựng được sự sống lại hơi thở của thơ ca với những hình tượng tuyệt mỹ và hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được đông đảo khán giả đón nhận và đánh giá cao.
Minh Đăng – Hình ảnh: Phúc Hải