S.I.S Cần Thơ – Hành trình ra biển lớn

S.I.S Cần Thơ – Hành trình ra biển lớn

“Tôi thật sự không thể tin nổi những gì các bạn đã làm tại SIS! Những gì chúng tôi cảm nhận được tại đây thật sự là ấn tượng! Những gì các bạn đã làm thật sự là tốt hơn chúng tôi dự đoán, những máy móc trang thiết bị ở đây quá hiện đại, có những máy còn tốt hơn cả ở bệnh viện chúng tôi! Chúng tôi ganh tị với các bạn! Đây là mô hình cho chúng tôi học hỏi để xây dựng một SIS cho bệnh viện chúng tôi…” Đây là những lời nhận xét một cách tự nhiên thân mật và có phần rất nể trọng những con người Việt Nam đã làm nên SIS, từ các chuyên gia trên khắp thế giới, họ là những giáo sư đầu ngành nổi tiếng tại USA (GS Blaise Baxter), Canada (GS Karel T.B), Thụy Sĩ (GS. Jan Gralla), Pháp (GS Laurent Pierot)… Tạp chí Sức khỏe đã có buổi phỏng vấn TS. BS Trần Chí Cường – Giám Đốc bệnh viện.

 

  1. Thưa BS, xin BS cho biết cơ duyên nào đã tạo động lực để BS dấn thân vì bệnh nhân đột quỵ?

 TS. BS Trần Chí Cường: Đột qụy thực sự là nỗi lo của toàn xã hội. Theo thống kê, hàng năm trên Thế giới có hơn 15 triệu người bị đột quỵ, cứ mỗi 45 giây trôi qua có 1 người bị đột quỵ, mỗi 3 phút trôi qua có 1 người tử vong do đột quỵ, trong 6 người bị đột quỵ trong điều kiện chăm sóc y tế tốt thì có 3 người may mắn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, 1 người bị tử vong, 2 người bị tàn phế. Trong điều kiện chăm sóc y tế không tốt, tỉ lệ tử vong tàn phế sẽ gia tăng cao hơn. Ở nước ta hàng năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ (ĐBSCL khoảng 10.000 trường hợp/năm), với tỷ lệ tử vong, tàn phế cao, có khuynh hướng gia tăng và trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018, thì đột quỵ và thiếu máu cơ tim hiện nay là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế cao nhất trên toàn thế giới, đứng sau đó là bệnh Ung Thư.

  1. Theo quan niệm dân gian, đột quỵ thường là “trời kêu ai nấy dạ”, “sống chết là do số” không phòng tránh được, không chữa được bao nhiêu. Liệu suy nghĩ này có đúng không thưa BS?

 TS. BS Trần Chí Cường: Nói chung, trong nền y học hiện đại ngày nay những quan niệm như trên về bệnh đột quỵ là hết sức sai lầm!

Dù thực tế chúng ta không thể nào cứu sống 100% bệnh nhân đột quỵ, nhưng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật trong y học, ngày nay chúng ta có thể giảm được đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ nếu chúng ta có ý thức chủ động phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Đó là: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, béo phì, mỡ máu cao, tiểu đường tăng huyết áp… Mặc dù phần lớn bệnh nhân trước khi đột quỵ thật sự thường có triệu chứng báo trước như tê yếu tay chân, nói khó, mờ mắt ngất xỉu thoáng qua nhưng chỉ có một số ít bệnh nhân biết được rằng hiện nay chúng ta đã có phương pháp chẩn đoán sớm tầm soát đột quỵ và điều trị trước khi đột quỵ xảy ra. Và nếu chẩn đoán sớm, chúng ta có thể điều trị chủ động hơn, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn nguyên nhân gây đột quỵ (phình mạch não, dị dạng mạch máu não, hẹp động mạch não…).

  1. Được biết BS khá thành công và không thiếu đất dụng võ tại TP.HCM khi đang là Giảng viên cao cấp của Đại học Y Dược TP.HCM, chủ tịch Hội can thiệp Thần Kinh TP.HCM, tại sao BS lại thân chinh về Miền Tây xây dựng BV Đột quỵ tim mạch cần thơ (SIS Cần Thơ)?

 TS. BS Trần Chí Cường: Đúng là ở TP.HCM, tôi không thiếu đất dụng võ. Hơn 10 năm làm việc tại BV ĐH Y Dược, giảng viên cho trường ĐHYD TP.HCM, tham dự hầu hết các hội thảo, hội nghị liên quan đến tim mạch, đột quỵ, được học hỏi kinh nghiệm ở hơn 20 quốc gia có nền Y học tiên tiến nhất trên thế giới, tôi nhận thấy tôi phải thành lập một BV chuyên sâu về lĩnh vực này để cứu nhiều người hơn nữa. Làm việc tại bệnh viện ở TP.HCM tôi chỉ có thể cứu được 100 người nhưng về miền tây tôi có thể cứu được 1000 người, thậm chí còn hơn nữa. Như đã nói, bệnh đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu, có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi và mọi đối tượng trong xã hội. Bệnh nhân đột quỵ nếu đến muộn sau 6 giờ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Cơ hội Sống – Còn cũng như chất lượng cuộc sống sẽ mất dần theo thời gian cho dù có đủ các trang thiết bị hiện đại, vì mỗi một phút trôi qua trong bộ não của bệnh nhân đột quỵ sẽ có hai triệu tế bào thần kinh mất đi. Trên thực tế, bệnh nhân đột quỵ từ Miền Tây lên TP.HCM cứ 10 người thì chưa có được 1 người kịp đến trước 6h, nói chi kịp trước 4h, 5h để được tiêm thuốc tan máu đông rTPA! Khi SIS ra đời sẽ không còn cần thiết nữa việc chuyển bệnh nhân đột quỵ từ các tỉnh Miền Tây đi TP.HCM để giảm tử vong và tàn phế do di chuyển quá xa, không thể điều trị trong khoảng thời gian vàng. Chúng tôi về Miền Tây để đến gần bệnh nhân hơn.

  1. SIS có thực sự tạo được “thương hiệu và uy tín” để người dân tin tưởng, vì thực tế hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đi “Sài Gòn”?

 TS. BS Trần Chí Cường: Việc tạo dựng một “thương hiệu và uy tín” không thể trong một sớm một chiều và đòi hỏi tốn nhiều thời gian công sức và sự trải nghiệm. Nhưng trong ngành y, việc “trải nghiệm” đôi khi sẽ phải trả giá quá đắt và thậm chí mình không còn một cơ hội thứ 2. Chưa kể, kết quả điều trị thành công hay thất bại cho một bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: tình trạng bệnh nặng nhẹ, có khẩn cấp hay không, cơ địa hay đặc điểm riêng của mỗi bệnh nhân, trình độ chuyên môn của bác sĩ, phương tiện hỗ trợ máy móc trang thiết bị của bệnh viện, thời gian có ảnh hưởng đến kết quả điều trị hay không? Tổng hợp tất cả các yếu tố trên thì lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ ở khu vực miền tây là SIS Cần Thơ, bởi vì ngoài trình độ chuyên môn và trang thiết bị máy móc hiện đại, thì thời gian là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công trên bệnh nhân.

Hội thảo quốc tế về đột quỵ tại bệnh viện S.I.S

  1. Có những ca cấp cứu, điều trị nào mà BS đặc biệt ấn tượng?

 TS. BS Trần Chí Cường: Sau đây là hai trường hợp mà tôi đặc biệt ấn tượng:

Trường hợp 1: Bệnh nhân nam khoảng 60 tuổi khá “VIP”, đột ngột bị đột quỵ sau đó hôn mê, được đưa vào cấp cứu ở một BV tuyến tỉnh ở Miền Tây, trong khoảng 1-2 giờ sau đột quỵ, được y bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán ngay là đột quỵ nặng, khả năng tắc mạch máu lớn. BS chỉ giải thích như sau: ở đây chưa có điều kiện can thiệp, cần chuyển bệnh nhân đi can thiệp lấy huyết khối tái thông mạch máu; có 2 chọn lựa: 1- đi Cần Thơ, 2- đi Sài Gòn” … Trong khi lại không nhấn mạnh yếu tố: khi đi xa sẽ thiệt thòi cho bệnh nhân do không kịp giờ vàng. Và bệnh nhân đã được đưa lên tận Sài Gòn bất chấp 1 phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ sẽ bị mất đi 2 triệu tế bào thần kinh và điều trị sớm mỗi 15 phút sẽ giảm được 4% nguy cơ tử vong tàn phế… Và điều trớ trêu là khi lên Sài Gòn, bệnh nhân đã quá thời gian vàng cứu chữa… sau đó, chỉ còn cách chạy ngược về BV Đột Quỵ Cần Thơ. Nhưng đã quá muộn! Và câu chuyện đau lòng với cái kết là bệnh nhân tử vong!

Trường hợp 2: Bệnh nhân nam 31 tuổi, nhà Cần Thơ, đột ngột ngất xỉu, lơ mơ, yếu 1/2 (P), nói khó… được người nhà đưa ngay vào BV Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ cấp cứu, đến BV khoảng giờ thứ 3! Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào chụp MRI+MRA mạch máu não (3 Tesla) trong vòng 15 phút! Kết quả: Nhồi máu não cấp, tắc gần hoàn toàn động mạch não giữa trái. Do may mắn còn trong “giờ vàng” nên bệnh nhân được chỉ định ngay tiêm rTPA tĩnh mạch, nhưng sau tiêm, bệnh nhân không cải thiện mà lơ mơ hơn, diễn tiến nặng hơn… chúng tôi nhanh chóng cho chụp CT loại trừ ngay xuất huyết và chuyển ngay bệnh nhân lên phòng can thiệp nội mạch ngay để lấy huyết khối tái thông lại mạch máu cứu bệnh nhân ngay. Tất cả các bước tính từ lúc bệnh nhân bị đột quỵ tại nhà cho đến khi các bác sĩ SIS tái thông lại được hoàn toàn động mạch não giữa cứu sống bệnh nhân chỉ trong vòng 6 giờ! Như một giấc mơ tại nơi gần nhà! Bệnh nhân này đã tiết kiệm được quá nhiều thời gian nhờ sự hiểu biết và may mắn của mình, nên đã tiết kiệm được khá nhiều tiền. Quan trọng hơn là tiết kiệm được hàng tỉ tế bào thần kinh tiết kiệm sinh mạng!

Hai trường hợp đột quỵ khá giống nhau… nhưng kết quả điều trị thì hoàn toàn khác nhau… Cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về bệnh đột quỵ cho cộng đồng.

  1. Được biết, hiện nay SIS đã tạo được uy tín rất tốt trên thế giới và trong khu vực, đã có nhiều bác sĩ nước ngoài sang học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cũng có nhiều bệnh nhân từ nước ngoài đến điều trị tại SIS Cần Thơ, xin BS chia sẻ bí quyết để đạt được những thành quả này?

 TS. BS Trần Chí Cường: Thật sự không dễ để thu hút được các học viên nước ngoài cũng như bệnh nhân từ các nước! Xin chia sẻ những may mắn mà SIS đã có được:

SIS ra đời trên cơ sở từ những nhà chuyên môn nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, có nhiều năm học hỏi và kết nối quốc tế, báo cáo và giảng dạy trong ngoài nước. Số lượng bệnh nhân đông, kinh nghiệm thực hành nhiều. Được sự hỗ trợ tích cực trong nước từ trung ương đến địa phương, được Bộ Y tế cho công nhận là cơ sở đạt chuẩn đào tạo. Nhu cầu đào tạo về chuyên ngành điều trị đột quỵ tăng cao do yêu cầu thực tế trong và ngoài nước…

Bệnh viện áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh; máy chụp CT đa lát cắt; máy chụp mạch máu xóa nền DSA thế hệ mới (ICONO 2 bình diện) chuyên sâu lần đầu tiên đươc trang bị tại châu Á, phục vụ cho can thiệp đột quỵ, tim mạch, gan lách, động mạch chủ, chậu, tay chân…; hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại chuẩn quốc tế, được trang bị kính hiển vi, C-Arm DSA di động; hệ thống Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24…

Đồng thời, công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân được bệnh viện hết sức chú trọng. Đầu tư và thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hệ thống xử lý chất thải y tế. Song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh thì tác phong ứng xử, y đức của đội ngũ y bác sĩ được nêu lên hàng đầu, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân.

  1. Thành quả sau một năm hoạt động của SIS?

TS. BS Trần Chí Cường: Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện đã khám chữa bệnh hơn 22.500 lượt. Cấp cứu 2.361 lượt, trong đó Đột quỵ 781 ca (Nhồi máu não 607 ca, xuất huyết não 174 ca). Riêng đối với đột quỵ nhồi máu não đến bệnh viện: giờ vàng 110 ca, chiếm 18% – quá giờ 497 ca, chiếm 82%. Tổng lượt nhập viện hơn 2.800 lượt. Tỉ lệ khỏi, đỡ/ giảm: chiếm gần 95% trên tổng số ca xuất viện.

Thực tế điều trị cho thấy chỉ 18% bệnh nhân Đột quỵ nhồi máu não đến Bệnh viện kịp giờ vàng mặc dù bệnh viện được trang bị sẵn sàng tiếp nhận điều trị số lượng bệnh nhân gấp nhiều lần con số khiêm tốn đó. Đó cũng chính là niềm trăn trở của những người làm công tác chuyên môn như chúng tôi, là động lực thôi thúc chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa đặc biệt là truyền thông cho cộng đồng nâng cao kiến thức về bệnh đột quỵ.

  1. Hơn 1 năm qua kể từ ngày BVĐKQT SIS CT thành lập đã cứu sống kịp thời, điều trị thành công cho nhiều người nước ngoài trong số họ là những chuyên gia từ Mỹ, Pháp, INDONESIA… Họ đã chọn Việt Nam, chọn SIS, theo BS vì sao?

 TS. BS Trần Chí Cường: Câu chuyện điển hình mà giờ tôi vẫn nhớ: Ông Guy Trottier, một bác sĩ người Pháp cùng vợ (cũng là bác sĩ) đến VN du lịch. Không may, trong chuyến đi lần đó ông bị đột quỵ và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu tại SIS Cần Thơ. Ông được cấp cứu trong tình trạng hôn mê, với chẩn đoán là đột quỵ nhồi máu não do tắc động mạch não giữa phải và các bác sĩ đã tiến hành can thiệp DSA hút huyết khối cho ông. Thật may mắn khi quá trình can thiệp chỉ kéo dài trong vòng 20 phút, rồi chỉ sau 7 ngày ông đã được xuất viện với tình trạng hoàn toàn tỉnh táo. Hành trình phát sinh ngoài chuyến đi lần này theo lời ông đó cũng được xem là một sự trải nghiệm may mắn khi đã được điều trị tại nơi có đội ngũ bác sĩ đầu ngành. Trong lần tái khám trước khi lên máy bay về nước, ông và vợ mình luôn miệng cảm ơn bệnh viện SIS cảm ơn các bác sĩ đã cứu ông. Khi về Pháp ông đi gặp một bác chuyên gia tim mạch để khám lại, vị chuyên gia này đánh giá như sau: “Ông đã rất may mắn vì khi bị đột quỵ ở Việt Nam đã được cứu chữa kịp thời tại SIS, bởi vì ngay cả ở nước Pháp cũng sẽ rất khó khăn cho bệnh nhân đến được một đơn vị điều trị đột quỵ tốt trong khoảng thời gian Vàng”.

Còn nhiều hơn nữa những người nước ngoài đã tìm đến SIS. Với họ, là cả một hành trình dài để tìm được người có thể điều trị cho người nhà họ. Còn bây giờ, SIS Cần Thơ nói riêng và người Việt Nam nói chung hãy tự hào rằng ngành Y của chúng ta đã có thể bước lên một tầm cao mới sau bao nhiêu nỗ lực không ngừng. Chúng ta không còn phải chạy chữa ở những đất nước xa xôi, tốn những khoản tiền cho việc điều trị cho những chuyến đi mà hiện nay “Việt Nam làm được”.

Và tại sao tại SIS nhận được sự tin tưởng từ mọi người và lan tỏa ra Thế giới được như thế?  SIS ra đời trên nền sự yêu thương trăn trở với con số hơn 10.000 bệnh nhân đột quỵ miền Tây, với mức đầu tư khủng gần 1.000 tỷ đồng với những máy móc lần đầu tiên lắp đặt tại châu Á chỉ vì sứ mệnh phục vụ tốt nhất cho sức khỏe bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu, giúp cho bệnh nhân có được sự an toàn nhất có thể với chuẩn quốc tế, nhưng lại luôn hướng về phục vụ cộng đồng, sẵn sàng chung tay giúp đỡ người nghèo khi không may bị đột quỵ.

Tốt nghiệp khóa đào tạo can thiệp mạch não của BS Indo

Với mục tiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” SIS luôn tập trung tuyên truyền để nâng cao sức khỏe trong cộng đồng, thực hiện các dịch vụ khám tầm soát sớm bệnh sớm chất lượng cao (tầm soát đột quỵ, tầm soát ung thư, kiểm tra sức khỏe tổng quát…).

Hợp tác đào tạo quốc tế để nâng cao chất lượng chuyên môn và uy tín của ngành Y tế Việt Nam, bệnh nhân không cần phải ra nước ngoài khám nữa và tiến tới việc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người nước ngoài với các chuyên khoa thế mạnh với mức chi phí cạnh tranh.

Xin cám ơn TS BS Trần Chí Cường

Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ

Nguồn: .tcsuckhoe.com

 

 

 

Gia Đình