“Vaccine tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

“Vaccine tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

Những ngày này Sài Gòn vắng lặng, người xe thưa thớt, đường phố buồn tênh, lòng người hiu quạnh, người ta gọi “Sài Gòn đang bệnh, Sài Gòn bao nhớ, Sài Gòn giống Tết… Thực ra Sài Gòn với lệnh giãn cách xã hội được ban hành nhanh chóng, cho thấy tình hình Covid vẫn đang là một vấn nạn rình rập khắp nơi, không chừa một ai, hay quốc gia nào. Covid đã lần nữa bùng phát trong cộng đồng với tình trạng lây nhiễm nhanh, nhiều, nguy hiểm và độc hại hơn, gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống mỗi người chúng ta. Chúng ta tiêm vaccine để có thể phòng chống Covid về mặt thân thể, nhưng vaccine tự thân chính là để chữa trị nguyên nhân gốc của bệnh, đảm bảo Covid khó thể xâm nhập cũng như không thể tái phát. Vậy vaccine tự thân là gì?

Những căng thẳng mùa Covid

Lần này là lần thứ 4 của Covid, với tên gọi Sars-Covi-2.Cùng với những trường hợp bị nhiễm Covid được ghi nhận qua từng giờ, từng ngày, những thiệt hại kinh tế và những căng thẳng do cách ly xã hội gây sang chấn tinh thần, tâm lý cho cộng đồng dân chúng không hề nhỏ so với Thế giới!

Có thể chúng ta chưa trải nghiệm cảm giác đau đớn, tang tóc bất lực khi có người thân và nhiều người trong cộng đồng ra đi giống các nước xung quanh như Ấn Độ. Nhưng cảm giác cuộc sống cứ như cắt khúc, hồi hộp, chập chờn, một cảm giác bấp bênh, không chắc chắn bao trùm lên đời sống mỗi gia đình, trong tâm trí mỗi người…

Sức người có hạn, đằng này, sức chịu đựng của người dân ta cả về thể lý, tâm lý và kinh tế còn quá yếu ớt, sơ sài, thiếu thốn, mà phải chống chọi qua bao mùa covid rồi, với tình trạng ngưng trệ đời sống kinh tế, thì biết phải làm sao?

“Vaccin tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

Từ Covid, ở nhà nhiều thì xích mích

Những nỗi lo cứ dày và nặng thêm trong tâm trí, trên đôi vai của mọi người, từ những đôi vợ chồng trẻ mọi ngày vẫn bận rộn với lịch trình làm việc, kiếm tiền, học tập, thăm thú bạn bè của riêng mình.

Những đứa trẻ có trường lớp bạn bè, những hội trại, những kỳ thi…

Những nam thanh nữ tú thì có đội nhóm, hội hè, câu lạc bộ để họp mặt, để hẹn hò, thả thính, yêu đương…

Các ông bà cụ thì có những CLB thể thao, sân dancing, hay kế hoạch hẹn đi chùa, làm từ thiện…

Covid bùng lên trong vòng một nốt nhạc, mọi thứ dừng lại, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau một cách bất đắc dĩ vì không được tụ tập ngoài xã hội. Thế là ra vô chạm mặt nhau hoài, thế là thấy biết những điều này việc nọ của nhau, thế là ý kiến ý cò, là phàn nàn, góp ý, là phán xét, chỉ trích, là yêu cầu yêu sách… là làm tổn thương nhau, trong khi lúc này ai cũng đầy ứ cảm xúc tiêu cực, chỉ chực tràn khi có dịp!

Vì sao khi mọi người bận rộn, không có thời gian cho nhau, hay cách xa nhau thì thấy thương, thấy nhớ, ước gì được rảnh rỗi để làm cái này cái nọ cho nhau, vậy mà khi có dịp ở chung lâu

thì lại gây hấn, xích mích, thậm chí đến độ “thấy bứt rứt không chịu nổi, không thể ở thêm với nhau được nữa”? Là vì chúng ta vừa bực bội vì bị ngưng trệ, bị giãn cách, lại vừa cảm thấy không có không gian riêng tư, chúng ta bị quy luật “xa thương, gần thường…” chi phối.

Trong tâm lý có một hiện tượng gọi là “Hiệu ứng con nhím”. Cũng như những chú nhím với bộ lông sắc nhọn, con người ai cũng có mặt trái, những khuyết điểm khiến chúng ta trở nên không hoàn hảo. Và khi ở gần nhau, những điểm hạn chế ấy bị chỉ trích, “đâm” vào đối phương khiến họ bị tổn thương và “xù lông” ngược lại.

“Vaccin tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

Đến tích cực độc hại không nên dính!

“Tích cực kiểu độc hại” (Toxic Positivity) là niềm tin cho rằng dù tình hình có khó khăn hay khốc liệt tới đâu chăng nữa thì con người ta vẫn nên duy trì một lối suy nghĩ tích cực tốt đẹp.

Đây là cách suy nghĩ kiểu “Kệ nó, cứ vui lên mà sống”, “qua cơn mưa trời lại sáng” để thể hiện một bề ngoài vui tươi, tích cực nhưng KHÔNG THẬT.

Chúng ta đều biết rằng quan điểm tích cực về cuộc sống là tốt cho sức khỏe tinh thần. Ai cũng có lúc phải đương đầu với những cảm xúc và trải nghiệm đau buồn. Nhưng nó vô cùng quan trọng, cần được ta cảm nhận và giải quyết một cách chân thành và cởi mở. “Tích cực kiểu độc hại” nâng tầm lối suy nghĩ lạc quan lên một hạn mức cực hạn quá đà, nó sẽ giảm thiểu và chối bỏ mọi cảm xúc nào không thuộc nhóm vui vẻ hay tích cực.

“Tích cực kiểu độc hại” khiến người ta không thể có được sự hỗ trợ đáng tin cậy mà họ cần để đối phó với nghịch cảnh. Khi có điều tồi tệ xảy ra như bị người yêu bỏ, ly dị, mất việc, bị giãn cách xã hội do Covid, mọi người sẽ nói “Hãy lạc quan lên”, hay “Hãy nhìn vào mặt tích cực, “mọi thứ xảy ra đều có lý do” thể hiện sự thông cảm nhưng đóng lại cánh cửa để bạn có thể chia sẻ hoặc né tránh nỗi đau của mình.

Theo Báo Cáo về tình trạng Căng thẳng Tâm Lý tại Mỹ do Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ thực hiện thì có đến 46% người Mỹ trưởng thành có con dưới 18 tuổi ghi nhận mức độ căng thẳng rất cao trong thời gian đại dịch. Lạc quan khi đối mặt với những trải nghiệm và thách thức khó khăn là điều có thể. Nhưng những người đang trải qua sang chấn không cần bị khuyên bảo phải luôn tích cực hoặc cảm thấy bị phê phán khi không giữ được “nụ cười tỏa nắng.”

Câu thần chú “Cứ vui lên mà sống” đã trở nên đặc biệt khó nghe với nhiều người trong thời gian diễn ra đại dịch toàn cầu Covid-19. Trong khoảng thời gian này, nhiều người đã đang phải đối mặt với bệnh tật, lệnh phong tỏa, lệnh cấm ra khỏi nơi cư trú, đóng cửa kinh doanh, làm việc ở nhà, thách thức trong giáo dục tại nhà, mất việc và khó khăn tài chính.

Chúng ta không chỉ đối mặt với những gián đoạn lớn trong cuộc sống mà còn phải đương đầu với áp lực phải làm được việc này việc kia mà vẫn giữ thái độ tích cực trong khoảng thời gian khó khăn và sang chấn ở nhiều mức độ.

“Vaccin tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

Vượt qua căng thẳng bằng cách đối mặt với căng thẳng?

Làm điều đó cách nào? Hãy thử dựa vào mô hình 5 yếu tố vượt qua nghịch cảnh sau:

  1. Kiểm soát: Đề cập đến mức độ kiểm soát của một cá nhân đối với nghịch cảnh, bạn có thấy vấn đề còn nằm trong vòng kiểm soát của mình không, hay đã mất kiểm soát trước biến cố này rồi?
  2. Quyền sở hữu: Đề cập đến lý do cho nghịch cảnh và sự sẵn sàng của một cá nhân để nhận trách nhiệm và thực hiện các biện pháp cần thiết. Bạn có sẵn sàng trong việc tuân thủ giãn cách xã hội, cách ly tập trung nếu có vấn đề hay không.
  3. Phạm vi tiếp cận: Đề cập đến mức độ mà vấn đề có ảnh hưởng đến các mặt của đời sống cá nhân như gia đình, công việc… Việc phải đóng cửa, ngưng phục vụ, ảnh hưởng đến doanh số và đời sống của bạn.
  4. Sức chịu đựng: Đề cập đến vấn đề và tác động của nó kéo dài trong bao lâu.
  5. Chỉ số vượt qua nghịch cảnh AQ (Adversify Quotation): cách bạn nhìn nhận một sự kiện, biến cố là thách thức hay là cơ hội; cách bạn ứng xử với nghịch cảnh (thái độ), khả năng xử lý vấn đề (Kỹ năng).

Đáp án nằm ở thái độ phản ứng của chúng ta trước hoàn cảnh hay tình trạng của mình. Quyền lựa chọn là do chính chúng ta. Chúng ta phải nương tựa vào chính mình, trở về “hải đảo tự thân”, nguồn sức mạnh nội tâm. Để nơi an trú ấy thật vững chãi, đủ khả năng che chở ta vượt qua những biến cố, hay sóng gió cuộc đời.

Sản xuất vaccine tự thân. Chúng ta tiêm vaccine để có thể phòng chống Covid về mặt thân thể, nhưng vaccine tự thân chính là để chữa trị nguyên nhân gốc của bệnh, đảm bảo Covid khó thể xâm nhập cũng như không thể tái phát.

“Vaccin tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

Vậy vaccine tự thân là gì?

 – Đó là Thiền định, là dùng tâm của mình, các thái độ sống tích cực để nâng cao sức đề kháng chữa trị cho chính mình. Bao gồm việc điều trị cho mọi vấn đề bất ổn, lo âu, sợ hãi, bế tắc, vô vọng, bất lực… và nguyên nhân của chúng. Thiền định là tên gọi đơn giản của tất cả những gì ta làm với tâm, là cách chữa trị tốt nhất vì nó không gây ra phản ứng phụ.

… Trở về chính mình để lắng nghe, quan sát thực tại ngay nơi thân thể, nơi các cảm giác, nơi những trạng thái nội tâm… thì mới hiểu ra chính mình và từ đó mọi sự sẽ được chuyển hóa tận gốc. Chuyển hóa vấn đề ngay nơi nó phát sinh, không còn sợ hãi, lo âu, bế tắc vô cớ. Những điều làm cho chúng ta căng thẳng cũng chính là điều mà từ đó ta học ra được biết bao bài học về bản chất chính mình và đời sống.

Đức Phật dạy “Mỗi người là nơi nương tựa của chính mình, không ai khác là nơi nương tựa của mình được. Vậy “mỗi người hãy là hòn đảo cho chính mình”, vì “tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.

Làm sao để an trú, việc cần nhất là không nạp thực phẩm bẩn cho trí não, phải kiểm soát những thông tin mà bạn đưa vào tâm trí mình, cũng như biết rõ những thông tin đúng đắn cần thiết. Tránh sự lo âu sợ hãi, tâm trạng bi quan bế tắc, chán chường…

Chính những thời khắc khó khăn trong đời là cơ hội tốt nhất cho mỗi chúng ta thực tập nâng cao sức mạnh nội tâm, khả năng chịu đựng và vượt qua biến cố, cũng như khả năng linh hoạt trong tư duy, điều chỉnh, thích ứng với những sự thay đổi đột ngột, khó khăn khắc nghiệt của biến cố, hoàn cảnh. Tại sao ta không chấp nhận cuộc đời, các biến cố như nó đang là mà luôn muốn nó phải là, sẽ là theo ý mình? Nên thay đổi thái độ của mình đối với mọi người, mọi việc hơn là muốn thay đổi mọi việc như ý mình.

Cuộc đời bản chất là vô thường là biến đổi, thế nên mới giúp ta thấy ra chính mình, thấy ra bản chất con người và cuộc sống. Chúng ta đừng bi quan, chính nhờ bất như ý mà ta học ra vô số điều hay, vì đời là môi trường tập huấn nhiều gian khổ để ta học hỏi trui rèn chứ không phải là nơi để chọn lựa những điều như ý…

Thiết lập giới hạn bằng cách xây dựng cho mình không gian riêng tư là vô cùng cần thiết, bởi đó là thời gian bạn có thể sống cho chính mình, thoải mái làm những điều mình muốn mà không bị ai can thiệp. Bạn có thể trao đổi với những người sống cùng nhà mỗi ngày rằng mỗi ngày 2 tiếng từ x đến y là thời gian riêng của bạn, và thời gian đó bạn muốn được ở một mình trong phòng không bị ai làm phiền chẳng hạn. Vậy ngại gì mà không thử dành ngay một khoảng thời gian trong ngày để đọc sách, ngủ nướng, xem phim, làm việc hay làm bất cứ điều gì bạn thích mà yên tâm không bị ai làm phiền.

“Vaccin tự thân” vượt qua nguy hiểm mùa dịch Covid

Biến cố Covid là ngàn năm một thuở, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của hơn bảy tỷ người trên toàn thế giới, chứ không riêng của một ai, với suy nghĩ đó, chúng ta dễ dàng mở lòng chấp nhận thực tại như nó đang là, và chung sống hòa bình với nó, cho đến khi mọi việc bình ổn, mà không cần quá shock, quá stress hay quá bi kịch nó như một thảm họa của chính mình hay của thế giới !

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm

CG tư vấn & đào tạo TT tâm lý Hồn Việt

Theo Tạp chí sức khỏe

Gia Đình