Có nên cho người bệnh ung thư biết về bệnh của mình?

Có nên cho người bệnh ung thư biết về bệnh của mình?

Có một số giai đoạn bác sĩ thường gặp khó khi phải thông báo cho bệnh nhân hay người thân bệnh nhân những điều bất lợi, được gọi là “tin xấu”: chẩn đoán ra ung thư, ung thư tiến triển, di căn, hay buồn hơn là khi bác sĩ thông báo rằng bệnh của họ không thể trị khỏi, người bệnh không còn nhiều thời gian… Vậy liệu việc không thông tin cho người bệnh biết có lợi hay không? Liệu nếu không may chính chúng ta một khi trở thành người bệnh thì ta muốn biết bệnh hay để người nhà biết và quyết định thay ta mọi chuyện? Hy vọng sau khi đọc bài viết này tự mỗi chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình, cho người thân yêu hay ngay cả cho người bệnh.

Đúng vậy! Thật khó khăn khi phải thông báo với người bệnh cũng như gia đình bệnh nhân kết quả chẩn đoán ra ung thư (sau sinh thiết, sau mổ…), khi người bệnh bắt đầu vào liệu trình điều trị như hóa trị, xa trị hay phẫu trị. Hay những tình huống phức tạp hơn là khi người bệnh ở giai đoạn tái phát, di căn không thể trị khỏi được nữa hay thậm chí là khi tiên lượng người bệnh còn vài tháng, vài tuần… Có phải chúng ta hay nghe “Xin bác sĩ giấu, đừng cho ba/mẹ tôi biết ông/bà bị ung thư vì tôi hiểu ông/bà hơn bác sĩ…”.

Có nên cho người bệnh biết tình trạng bệnh nặng hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Ở các nước phương Tây thì người bệnh có quyền tự quyết rất cao, nên bác sĩ phải giải thích cho họ biết tường tận chi tiết tình trạng bệnh của họ. Ở Việt Nam thì sao? Theo luật Khám chữa bệnh của nước ta thì bệnh nhân có quyền được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. Trên thực tế, thường chúng ta thấy bác sĩ ít khi nói rõ với người bệnh khi họ bệnh ung thư mà hay trao đổi thông tin với người nhà. Người nhà thường hay yêu cầu bác sĩ giấu tình trạng bệnh của người bệnh. Chúng ta đôi khi sẽ có suy nghĩ, bác sĩ không nên nói với người bệnh, vì như vậy sẽ làm người bệnh suy sụp, buồn bã, lo lắng và có thể mất hết hy vọng và cũng có thể làm cho người bệnh mất sớm hơn. May mắn thay, các nghiên cứu cho thấy thực tế không phải vậy. Việc người bệnh biết rõ về bệnh của mình không thay đổi tiên lượng và không làm xấu đi tình trạng bệnh. Điều quan trọng là bác sĩ phải hiểu được người bệnh đang ở giai đoạn tâm lý nào của bệnh (từ chối bệnh, giận dữ, tự thương lượng, trầm cảm, chấp nhận với bệnh tật) để có thể lựa chọn thời điểm hợp lý, cung cấp thông tin phù hợp cho người bệnh và gia đình.

Người bệnh có thể có nhiều lợi ích khi hiểu rõ tình trạng bệnh tật của mình. Việc hiểu rõ bệnh giúp người bệnh và gia đình đối diện với các cảm xúc mà người bệnh phải trải qua. Nhờ đó bác sĩ có thể cùng người bệnh và gia đình lên kế hoạch điều trị sao cho phù hợp và tốt nhất với người bệnh không chỉ về thể chất mà còn về các khía cạnh tâm lý, phù hợp khả năng kinh tế, xã hội và nhất là hỗ trợ người bệnh, giúp người bệnh chuẩn bị tốt hơn các kế hoạch trong tương lai. Một khảo sát tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM năm 2010 cho thấy đến 93% bệnh nhân ung thư muốn biết về kết quả chẩn đoán và việc điều trị cho mình. Trong khi đó, 60% thân nhân người bệnh muốn giấu người bệnh về chẩn đoán và điều trị. Chúng ta thấy, thực sự phần lớn người bệnh họ muốn biết và tham gia trong quyết định điều trị của chính mình. Vậy tại sao người nhà và nhân viên y tế vẫn muốn giấu người bệnh? Liệu chúng ta có giấu được không?

Ngày nay với việc dễ dàng tiếp cận thông tin từ các nguồn, bệnh nhân khi vào khoa ung thư hay vào bệnh viện ung thư thì họ đã biết đâu đó mình có thể đang bệnh ung thư. Thêm vào đó, các kết quả xét nghiệm, toa thuốc, bảng theo dõi gắn đầu giường và nhất là những bệnh nhân đồng cảnh ngộ cùng đi hóa trị, cùng chờ phẫu thuật hay cùng trải qua xạ trị với nhau thì không thể giấu người bệnh được. Điều cần lưu ý là có hơn 100 loại bệnh ung thư khác nhau và cùng một loại ung thư trên mỗi bệnh nhân cũng khác nhau trong điều trị và đáp ứng điều trị. Khi người bệnh không hiểu rõ bệnh ung thư của mình, họ vô tình so sánh với những bệnh nhân khác, hay có thể tìm hiểu thông tin trên mạng internet hoặc kinh nghiệm dân gian. Các kiểu thông tin không rõ ràng, không phù hợp càng gây hoang mang hơn cho người bệnh. Thực tế, một số bệnh nhân lờ mờ biết bệnh ung thư đã vội bỏ điều trị tại bệnh viện và theo các bài thuốc không chính thống để rồi khi quay lại thì cơ hội điều trị tốt đã trôi qua.

Vậy chúng ta tự ngẫm xem việc giấu người bệnh ung thư về bệnh của họ vì yêu thương họ và muốn bảo vệ họ có thật sự đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh? Hãy nhìn vào ngược lại, nếu bác sĩ làm rõ cho gia đình người bệnh thấy được những lợi ích của việc người bệnh cần được hiểu rõ bệnh của họ thì gia đình người bệnh cũng sẽ vì yêu thương người bệnh mà nhờ bác sĩ giúp để truyền đạt thông tin cho người bệnh. Điều quan trọng là bác sĩ phải tạo đủ niềm tin đối với người bệnh và thân nhân. Nhân viên y tế nên đưa thông tin hợp lý, chỉ truyền tải những thông tin người bệnh muốn biết để có những chuẩn bị, và an tâm tuân thủ kế hoạch điều trị; đồng thời đồng cảm, trách nhiệm với người bệnh, cũng như bảo vệ được cho họ.

Thông báo “tin xấu” cho bệnh nhân ung thư là một nghĩa vụ đầy khó khăn và thách thức của nhân viên y tế. Thường bác sĩ sẽ là người giải thích tình trạng bệnh lý cho người bệnh. Bác sĩ là người hiểu biết tình trạng bệnh, biết cách và được học cách tốt nhất để truyền đạt thông tin cho người bệnh. Thực tế bác sĩ ung thư thường được học, huấn luyện cách thông báo tin xấu cho người bệnh và gia đình người bệnh như kỹ thuật SPIKES… Tuy vậy, hiếm bác sĩ nào cảm thấy dễ dàng khi phải nói cho người bệnh biết tình trạng bệnh không thuận lợi. Thật sự, bác sĩ cũng lo người bệnh phiền lòng hoặc mất đi hy vọng, lo lắng người bệnh, thân nhân quá xúc động khi nghe “tin xấu”. Không ít bác sĩ chọn hướng giải thích cho gia đình người bệnh vì điều này dễ làm hơn khi phải trực tiếp cung cấp thông tin cho bệnh nhân. Khi đó, vô tình gánh nặng thông tin, giải thích cho người bệnh lại đặt lên vai của người nhà bệnh nhân. Và dĩ nhiên gia đình vì đã muốn giấu bệnh nhân nên sẽ có nhiều cách nói tránh, hay đưa ra những kết quả quá lạc quan, thậm chí ảo tưởng đối với người bệnh. Người bệnh có thể dễ chịu trong một thời gian nhưng sau đó thì sao? Với những trường hợp bệnh nặng, hay ung thư tiến triển di căn, có phải sau đó bệnh nhân sẽ thật sự mất hy vọng và không còn niềm tin với điều trị, với nhân viên y tế và thậm chí là gia đình mình. Đã mất niềm tin với nhân viên y tế thì ai sẽ giúp bệnh nhân thời điểm khó khăn này?

“Tin xấu” được thông báo trong sự đồng cảm chia sẻ giữa nhân viên y tế và người bệnh cũng như gia đình người bệnh thật sự sẽ không làm mất hết hy vọng của người bệnh. “Tin xấu” giúp bệnh nhân hiểu rõ hoàn cảnh để đương đầu, để cùng “hy vọng những điều tốt nhất đồng thời chuẩn bị những gì xấu nhất.” Tin xấu không làm mất hy vọng của bệnh nhân ung thư, ngay cả ở giai đoạn cuối, mà nhằm đưa người bệnh đến những mục tiêu thực tế, tạo niềm tin trong chăm sóc, tập trung vào chất lượng sống, giảm đau đớn.

Thông tin cho người bệnh không chỉ giúp người bệnh cùng chia sẻ các quyết định điều trị trong ung thư mà còn giúp họ yên tâm tuân thủ các phác đồ điều trị. Đối với những trường hợp bệnh ung thư nặng, giai đoạn tiến xa thì thông báo “tin xấu” thật sự là chìa khóa trong chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân. “Sanh, Lão, Bệnh, Tử”, ai cũng sẽ phải trải qua. Hãy nghĩ rằng mỗi người đều có cơ hội thực hiện điều mong muốn cuối đời của mình, dù thời gian không còn nhiều. Người bệnh có đủ thời gian thực hiện nhiều điều khi và chỉ khi họ biết được khoảng thời gian sống ước tính còn lại. Một câu chuyện về nữ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có một mong muốn trước khi mất là được nhìn thấy con gái mình khoác áo dài cưới. Đám cưới đã được dời sớm hơn và lời tâm sự chân thành của người chồng “bác sĩ ơi, tôi không ngờ vợ tôi có thể đi lại như người bình thường trong ngày cưới của con gái tôi”. Cô mất vài tuần sau đó. Nếu người bệnh không biết thời gian còn lại, họ sẽ mất luôn cơ hội thực hiện những ước muốn cuối đời mà họ thực sự có quyền được biết và có thể làm được. Người bệnh có thể thực hiện từ những ước muốn đơn giản như đi viếng chùa chiền, gặp cha xứ, thăm lại nhà tổ sau nhiều năm, thăm lại một nơi kỷ niệm, muốn nhìn thấy biển, cảm nhận gió biển, đặt tên cho cháu nội đích tôn sắp ra đời, hay đôi khi chỉ mong muốn chào tạm biệt những người thân yêu, đến những quyết định lớn hơn như viết di chúc, chuyển giao tài sản cho con cái… Tùy thời gian ước lượng còn lại mà họ có thể thực hiện những ước vọng ưu tiên và phù hợp. Nếu người bệnh không tiên lượng họ sẽ mất, họ có thể sẽ không thực hiện được những điều có ý nghĩa cuối đời. Điều này có phải là đáng tiếc lắm sao?

Có thể thấy, thông tin cho bệnh nhân ung thư với mục đích là đem lại những lợi ích cho người bệnh là điều cần thiết. Bác sĩ sẽ không “ép” người bệnh nghe những điều liên quan đến bệnh mà họ không có nhu cầu muốn biết. Chúng ta hy vọng những gì tốt nhất sẽ đến với người bệnh nhưng đồng thời cũng chuẩn bị những điều không hay sẽ đến. Điều này hoàn toàn làm được khi người bệnh, người nhà và nhân viên y tế cùng hiểu rõ, đồng cảm và chia sẻ thông tin rõ ràng với những mục tiêu lạc quan nhưng thực tiễn. “Sự thật đôi khi đau đớn nhưng sự giả dối chắc chắn gây đau đớn hơn nhiều”.

ThS. BS CKII Quách Thanh Khánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Gia Đình