Cụ ông 82 tuổi tập yoga dẻo như không xương

Cụ ông 82 tuổi tập yoga dẻo như không xương

Căn phòng gần 80 m2 ở cuối ngõ Lý Nam Đế, Hà Nội, vốn là nơi sinh hoạt tổ dân phố, 6h sáng vang tiếng nói cười. Cụ Toàn, tóc bạc trắng, có mặt trước 30 phút để đón học viên yoga.

Cụ Trương Kim Toàn, 82 tuổi, vẫn tự đi xe máy đến lớp dạy yoga mỗi ngày và xem “đây là diễm phúc lớn nhất cuộc đời”.

15 năm qua, lớp học yoga của cụ vẫn duy trì đều đặn. Học viên chủ yếu là người cao tuổi, một số bạn trẻ. Mỗi ca học khoảng 10-12 người. Cụ Toàn luôn có mặt sớm 30 phút để đón học viên. Những hôm trời mưa, mọi người đến muộn, trong khi chờ, thầy Toàn thường biểu diễn vài động tác khó tạo không khí vui vẻ. Nhìn ông lão đầu phủ tóc trắng bước đi vững vàng không phải chống gậy, chân dẻo dai vào tư thế yoga vắt lên cổ dễ dàng, không ai nghĩ thầy giáo đã ngoài 80.

Đến với yoga tình cờ, thấm thoắt đã 23 năm, cụ Toàn hiện là thầy dạy yoga lớn tuổi nhất tại Việt Nam. Ngoài thời gian hướng dẫn trong lớp học, cụ còn đào tạo huấn luyện viên yoga chuyên nghiệp và giảng dạy tại các trường yoga ở Hà Nội.

[Caption]......

Cụ Trương Kim Toàn chia sẻ “luôn tự hào khi vừa dạy yoga vừa rèn luyện sức khỏe cho chính mình và nhiều người khác”cẢnh: Thùy An

Cụ Toàn vốn đam mê rèn luyện sức khỏe. Năm 1955 cụ, khi ấy còn trẻ, được đoàn văn công cử đi học lớp hướng dẫn viên thể dục. Một năm sau, chàng trai trẻ thi đỗ Cục Hải Quân, trở thành vận động viên tham gia đại hội thể dục thể thao toàn quân lần thứ nhất và giành giải nhất bơi lội cự ly 400 m năm 1960. Năm 1997, cụ bén duyên với yoga và theo đuổi đến tận bây giờ.

Hôm 12/10, cụ lấy ra những tờ giấy khen, giấy chứng nhận đã đổi màu, mòn góc, được cất giữ kỹ trong đáy tủ. Cụ nói: “Đây là niềm tự hào tuổi trẻ cất lại để về sau kể cho con cháu”.

Cụ kể, lúc mới tập yoga cảm thấy giống với tập thể dục. Sau, càng tập càng thấy đặc biệt bởi “muốn lĩnh ngộ yoga, người tập còn phải học thiền, học thở chứ không chỉ đơn giản là vận dụng tay chân và cử động linh hoạt”.

Lớp học của thầy Toàn đa dạng từ người già đến người trẻ, chung đam mê với yoga. Một buổi tập yoga kéo dài 75 phút, gồm có sơ thiền, khởi động, tập, xoa bóp, thư giãn. Trong đó, sơ thiền là bước quan trọng nhất giúp mọi người tập trung vào bài.

Kinh nghiệm cụ truyền đạt cho học viên là trước khi tập yoga nên giữ bụng rỗng, tập cách bữa ăn ba tiếng để tốt cho hệ tiêu hóa. Người tập căn cứ vào thể trạng béo gầy, già trẻ, có bệnh không có bệnh, bệnh nhẹ hay bệnh nặng, để lựa chọn cách tập phù hợp.

Thầy Toàn áp dụng phương phâm 4Đ, bao gồm “đúng, đủ, đều, đạt”, được đúc rúc sau nhiều năm tập luyện. Nguyên tắc là tập từ dễ đến khó, từ thấp đến cao để tránh chấn thương. Nhờ áp dụng nguyên tắc này, sức khỏe cụ Toàn đến nay vẫn ổn định. Cuốn sổ khám sức khỏe từ năm 1984 mới dùng một nửa, nay đã ngả vàng vì không sử dụng đến.

[Caption]......

Bà Liên (áo trắng) cùng các học viên đang thực hiện động tác vặn mình dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Trương Kim Toàn. Ảnh: Thùy An

Bà Bùi Thị Liên, 80 tuổi, là học viên lớn tuổi nhất trong lớp của thầy Toàn. Bà Liên bị bệnh khớp nặng. Hai năm trước, bà Liên được giới thiệu vào lớp của thầy Toàn, song chần chừ nghĩ “tuổi cao, xương cứng thì tập thế nào”. Được thầy giáo động viên “tập đến đâu thì tập”, bà cụ Liên có động lực, bất kể mưa nắng đều đến lớp.

Ở lớp, thầy hướng dẫn bà Liên tập những tư thế ngồi, xoay vai, vặn mình để cơ thể dẻo dai và khỏe hơn. Một tuần, bà tập hai buổi, thời gian rảnh vẫn tự tập ở nhà. Hai năm kiên trì, bệnh khớp của bà Liên dần ổn định, đi lại nhẹ nhàng chứ không nặng nhọc như trước. Bà kể, đi tập vừa có sức khỏe lại làm quen nhiều bạn mới để vui thú tuổi già.

Vợ thầy Toàn, cũng là học viên của lớp yoga, hàng ngày theo chồng đến lớp. Nhìn chồng say nghề, bà có động lực để kiên trì tập luyện hơn. Cả hai vừa là bạn đời vừa có thể san sẻ với nhau cách sống khỏe, sống ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Ở lớp học còn có nhiều người cao tuổi có bệnh như tiểu đường, dạ dày, ung thư… đều được cụ Toàn hướng dẫn các động tác riêng phù hợp từng người một.

“Thầy giáo chỉ có một giáo án để dạy, mỗi học viên lại có tình trạng, bệnh lý khác biệt nên tôi phải linh hoạt. Cốt lõi của yoga là phải kiên trì, thành quả sẽ được trả lời theo thời gian”, thầy giáo Toàn nói.

Đến nay thầy giáo Toàn đã hướng dẫn rất nhiều học viên. Trong đó, nhiều người trở thành giáo viên giỏi tại trường Yoga Việt Nam hay Yoga Việt Ấn, tiếp tục đào tạo thêm nhiều thế hệ mới.

Chị Nguyễn Thị Phương Trinh là giáo viên yoga, cũng học viên của thầy Toàn từ năm 2015. Nhắc đến thầy, chị khâm phục “thầy còn khỏe và dẻo dai hơn nhiều người trẻ”.

“Tiết học với thầy thường bị cháy giáo án vì thầy dạy chi tiết và kỹ lắm. Thầy vừa dạy vừa làm mẫu suốt cả tiết học mà không bị mệt, khiến chúng tôi ngưỡng mộ”, chị Trinh nhận xét.

Nhiều học viên còn gọi cụ là “người thầy không xương” vì dẻo dai hơn người.

Thầy Toàn đang thực hiện một động tác khó tại lớp học Yoga ở bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Thùy An

Thầy Toàn đang thực hiện một động tác khó tại lớp học yoga ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Thùy An

Tan lớp, cụ cùng vợ đi về nhà cách đó 8 km trên chiếc xe máy cũ. Ở tuổi “bát tuần”, cụ nói: “Tôi còn khỏe lắm, đi phăm phăm chẳng cần chống gậy hay con cháu dìu đi”. Mắt tinh, xem tivi, dùng điện thoại không cần đeo kính.

Nhìn lại hành trình với yoga mấy chục năm qua, thầy giáo Toàn nói chẳng còn gì nuối tiếc. Với cụ, tập luyện là cách để trả ơn yoga đã cho cụ một cơ thể không bệnh tật và khỏe mạnh như còn đôi mươi.

“Nếu ví yoga là một con đường thì tôi chỉ đang đứng ở vệ đường thôi. Ở vị trí đó, tôi thuận lợi học hỏi mỗi ngày”, cụ chia sẻ.

Nguồn: vnexpress.net

https://vnexpress.net/cu-ong-82-tuoi-tap-yoga-deo-nhu-khong-xuong-4169920.html

Gia Đình