Nữ học viên tạo trào lưu yoga ‘Hip hop’ vì bất mãn với lối dạy cũ

Nữ học viên tạo trào lưu yoga ‘Hip hop’ vì bất mãn với lối dạy cũ

Bỏ gương phòng tập, thắp nến và bật nhạc tạo không khí quán bar, cô gái ghét yoga làm nên một trong những chuỗi fitness tăng trưởng nhanh nhất Mỹ.

Cô gái Mỹ Sarah Larson Levey, 31 tuổi, hiện là chủ nhân 8 phòng tập tại New York, hai ở Los Angeles và dự định mở rộng ra thêm ít nhất hai thành phố trong năm tới.

Trong phòng tập thời thượng của Y7 Studio, những cư dân thành thị duỗi người theo động tác yoga quen thuộc, nhưng trong ánh nến, trên nền nhạc hip hop đập mạnh và xung quanh là lò sưởi điện từ đảm bảo mọi người ra lượng mồ hôi thích hợp.

Động lực khởi nghiệp đến với nữ chủ nhân khá bất ngờ: “Tất cả thành ra thế này chỉ vì tôi đã thực lòng ghét yoga”.

Levey chưa từng hình dung ra viễn cảnh này khi mới cùng hôn phu, Mason Levey, tổ chức các lớp học tự phát năm 2013. Lúc chuyển từ bang Michigan đến thành phố New York, cô không hài lòng nổi với các lớp yoga mình theo học. Trải nghiệm của cá nhân Levey cho thấy chúng thường gồm những bài thiền kéo dài, vận dụng ngôn ngữ khó hiểu, ánh sáng quá mức và gương bao quanh khắp phòng khiến người tập bị phân tán tập trung.

Công việc của Levey là bắt trend thời trang, trước khi startup với xu hướng phòng tập mới. Ảnh: People who do.

Công việc của Levey là bắt trend thời trang, trước khi startup với xu hướng phòng tập mới. Ảnh: People who do.

Levey khó chịu đến cực điểm khi một giáo viên dành 25 trong 60 phút giờ dạy chào hàng một buổi thiền ở Bali. Cô kể lại suy nghĩ khi ấy: “Đùa à? Tôi đóng tiền để học cơ mà”.

Sự việc làm nữ học viên quá bực bội mà xắn tay lùng qua mạng một địa điểm cho thuê giá rẻ, tự mở lớp thuê người dạy theo yêu cầu cô đặt ra. Khi đó, mục tiêu với Levey hoàn toàn không phải kiếm chác. Cô đơn thuần muốn tìm những chuyên gia yoga đồng điệu suy nghĩ và giúp hòa vốn.

Những buổi đầu diễn ra các dịp cuối tuần hè năm 2013 tại một studio bỏ không. Chúng nhanh chóng được hưởng ứng tới mức đến mùa thu, Levey đã tự tin ký hợp đồng trả theo tháng một phòng tập nhỏ của riêng mình. Không gian chưa đến 30 m2 đó chỉ vừa đủ chứa 8 con người.

Thế nhưng trong nhóm người hay lui tới có Mary Biggins, nhà sáng lập ClassPass (ứng dụng chia sẻ phòng tập ngày nay có mạng lưới lớn nhất thế giới, hồi đó mang tên Classtivity). Levey bắt tay Biggins để trở thành một trong những đối tác đầu tiên của ClassPass. Phòng tập của cô gái trẻ thường xuyên “cháy vé” khiến Levey, vào tháng tư năm sau, cần một không gian lớn hơn và nhận ra một startup đã trong tay mình từ bao giờ.

Năm 2015, Y7, lấy tên từ 7 “trung khu năng lượng” của cơ thể theo lý thuyết yoga, mở phòng tập đầu ở khu sầm uất Manhattan, New York. Levey và chồng sớm nghỉ việc sau đó và đắm chìm trong thế giới yoga.

Phòng tập Y7 có ánh nến, nhạc hip hop và ít thành viên. Ảnh: Y7.

Phòng tập Y7 có ánh nến, nhạc hip hop và ít thành viên. Ảnh: Y7.

Trước khi vào vai nhà khởi nghiệp toàn thời gian, nữ sáng lập này là một chuyên gia quản lý đơn hàng thời trang, phụ trách bắt xu hướng để tư vấn nhà buôn mua, cũng như môi giới các bộ sưu tập. Việc cho ra đời Y7 cũng có nghĩa cô nắm một xu thế đang nổi bật: phòng tập boutique (phòng chất lượng cao nhưng giới hạn số thành viên).

Y7 là biểu tượng cho loại hình phòng tập tân thời mà khách hàng Mỹ đang chuyển sang dùng những năm qua. Lượng tham gia các phòng gym đa chức năng truyền thống ở nước này đang không tăng trưởng.

Yếu tố cộng đồng ngày nay rất quan trọng trong việc rèn luyện sức khỏe. Người tập thậm chí muốn cảm nhận hơi thở như trong một bar hay câu lạc bộ đêm. Ánh nến hay nhạc dance ở Y7 tạo được không khí đó. Tuy nhiên, chủ nhân của nó chia sẻ chính những thử thách ở mỗi buổi tập mới là chất keo kết dính. Cô nói: “Có một tinh thần đoàn kết được tạo ra. Vì mọi người ý thức việc phải cùng nhau vượt qua những động tác khó”.

Kết nối giữa các thành viên là sức hút để nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn, đăng ký tại các phòng boutique một chức năng, thay cho hình thức gym trang bị đủ loại máy móc.

Một tính chất hấp dẫn của boutique là tính giới hạn. Những studio nhỏ chỉ tổ chức lớp nhỏ, thường nhanh hết chỗ và vì thế, dễ dàng thu phí cao. Chúng được so sánh với các câu lạc bộ đêm, với cảnh tượng khách hàng xếp hàng nhiều giờ trước cửa.

Sự khăng khít giữa các thành viên là điều các phòng tập boutique của Levey (thứ hai hàng dưới, từ trái qua) hướng đến. Ảnh: SweatlifeNYC.

Sự khăng khít giữa các thành viên là điều các phòng tập boutique của Levey (thứ hai hàng dưới, từ trái qua) hướng đến. Ảnh: SweatlifeNYC.

Levey đang nỗ lực chứng minh cảm giác gắn kết, gần gũi trong phòng tập nhỏ có thể đánh bại sự tiện nghi, một khi các hoạt động nhóm được lên giáo án đủ sức thuyết phục. Đó là lý do cô làm việc cần mẫn nhằm đem đến bầu không khí thân mật và tinh thần tập thể trong lớp yoga Y7.

Cách đây vài tháng, Levey vẫn thường được thấy trong đủ vai trò tại các studio Y7, từ làm lễ tân, quản lý lương, tuyển dụng giáo viên cho đến sơn phòng tập. Tuy nhiên, nhân sự hiện tại 300 người đảm bảo cho nữ CEO không phải trực tiếp nghe điện thoại chăm sóc khách hàng, trừ khi cô muốn.

Công việc duy nhất Levey không cho phép mình đụng đến là đứng lớp. Đủ chứng chỉ giảng dạy yoga, nhưng cô muốn giữ góc nhìn của một khách hàng, để luôn biết đặt lợi ích khách trên lợi ích công ty.

Chính Levey là người dùng, không chỉ của Y7, mà còn của nhiều tên tuổi mới khác trong làng fitness. Dù nhận mình chưa bao giờ là dân tập điển hình, giờ cô là tín đồ của làn sóng phòng tập boutique. Levey vẫn chưa thể tin mình bị cuốn theo nó: “Nếu trước đây bạn nói với tôi rằng sẽ có ngày tôi rút túi 35 USD đi tập hàng tháng, tôi sẽ cười vào mặt bạn mất”.

Quốc Việt
Theo Inc./ ngoisao.net

Gia Đình