LÃNH ĐẠO TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC – KHI LÃNH ĐẠO NHÀ TRƯỜNG THAY ĐỔI
Cuốn sách Lãnh đạo nhà trường hạnh phúc là cánh tay nối dài giúp những người hoạt động trong ngành giáo dục, ban lãnh đạo nhà trường xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc
Trường học hạnh phúc là một khái niệm không mới nhưng ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên tại Việt Nam mô hình này chưa được phát triển sâu rộng do trở ngại đến từ hệ thống quản lý. Vì vậy để trường học hạnh phúc thực sự trở thành một phần thiết yếu của hệ thống giáo dục tại Việt Nam, đòi hỏi sự chuyển hóa tư duy từ những bậc lãnh đạo trường học, những người đã và đang hoạt động trong ngành giáo dục.
Cuốn sách Lãnh đạo nhà trường hạnh phúc là công cụ hữu hiệu giúp những người hoạt động trong ngành giáo dục, ban lãnh đạo trường học “chuyển mình” để đáp ứng nhu cầu xã hội
Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong ngành giáo dục dưới vai trò quản lý điều hành các trường quốc tế và các tổ chức giáo dục, tác giả Nguyễn Thanh đã chỉ rõ tàm quan trọng của ban lãnh đạo nhà trường trong công cuộc kiến thiết trường học hạnh phúc. Lãnh đạo khi này không chỉ đóng vai trò là người điều hành mà còn là một vị “lãnh tụ tư tưởng cho cả học sinh lẫn giáo viên.
Trường học hạnh phúc không có một phương thức chung, motif chung nhất dành cho tất thảy. Mỗi quốc gia sẽ đều có cách tiếp cận riêng dựa trên văn hóa, hệ thống giáo dục và các ưu tiên xã hội của mình nhưng tất cả đều hướng tới việc xây dựng một môi trường học đường nơi hạnh phúc của học sinh, giáo viên là trung tâm. Phần Lan là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, cũng là ví dụ điển hình về việc áp lực mô hình trường học hạnh phúc. Phần Lan xây dựng hệ thống giáo dục xoay quanh sự tôn trọng, sáng tạo và phát triển toàn diện, tập trung vào việc đảm bảo học sinh, giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc trong môi trường học tập. Mô hình giáo dục của Nhật Bản chú trọng đến việc xây dựng tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng và kỷ luật cá nhân, nhưng vẫn đảm bảo rằng học sinh cảm thấy hạnh phúc và gắn kết.
Trường học trở nên hạnh phúc khi tất cả các thành viên trong trường hạnh phúc. Muốn có được đội ngũ giáo viên hạnh phúc thì chìa khóa đơn giản và hữu hiệu nhất chính là công nhận và khen thưởng. Điều này khiến họ “có động lực mạnh mẽ hơn trong cong việc giảng dạy, gắn bó với học sinh và đóng góp tích cực vào cộng đồng học đường”. Phương pháp này không chỉ là những biện pháp quản lý hữu hiệu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hạnh phúc và tạo động lực làm việc cho giáo viên.
Trường học hạnh phúc không chỉ là nơi học sinh đạt được thành tích cao mà còn là nơi các em được phát triển toàn diện. Để làm được điều đó, những người lãnh đạo nhà trường phải hiểu đúng về “phát triển học sinh toàn diện”. Phát triển học sinh toàn diện hiểu một cách đơn giản chính là “phát triển nhiều khía cạnh của mỗi cá nhân, từ trí tuệ, thể chất, cảm xúc cho đến các kỹ năng xã hội”. Từ đó có thể tạo nên bước đệm hoàn hảo giúp các em có thể khai phá các khía cạnh tiềm năng trong mình.
Lãnh đạo trường học hạnh phúc ngoài việc cung cấp các phương pháp cụ thể để các nhà lãnh đạo có thể xây dựng được mô hình trường học hạnh phúc, cá nhân hạnh phúc, cuốn sách còn cung cấp cho bạn đọc các bộ tiêu chuẩn về trường học hạnh phúc – môi trường học tích cực; Hạnh phúc trong trường học;…các thang đo hạnh phúc; bảng câu hỏi khảo sát hạnh phúc dành cho giáo viên và học sinh. Bộ công cụ này sẽ giúp ích cho các nhà lãnh đạo luôn luôn cập nhật được tình trạng ngôi trường của mình đang quản lý bởi “việc cải thiện hạnh phúc trong trong trường học là hành trình liên tục, nơi mỗi phản hồi là một bước tiến tới trong một môi trường giáo dục tốt đẹp hơn”.
Thái Hà Books