Giáo dục Trẻ đặc biệt cần nhiều hơn cái tâm

Giáo dục Trẻ đặc biệt cần nhiều hơn cái tâm

Mặc dù vẫn còn những vướng mắc nhất định, nhưng 2 nhân tố mới trong ngành giáo dục trẻ đặc biệt đã cho thấy những tư duy rất sáng, khác lối mòn và sự tâm huyết của mình.

Có thể nói, thị trường giáo dục trẻ đặc biệt tại Việt Nam vẫn rất tự phát, manh mún và thiếu sự hợp tác giữa các tổ chức trong ngành. Mỗi trung tâm lại lập ra một nhóm kín riêng, quảng bá riêng, thậm chí nhiều nơi còn đưa thông tin sai lệch về trẻ đặc biệt.

Mặc dù nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ xã hội, nhưng giáo dục trẻ đặc biệt vẫn chưa phải là ngành được đầu tư đúng mức hay có nhiều sự khác biệt suốt mấy chục năm trở lại đây. Dạo quanh một vòng các trung tâm về trẻ đặc biệt, đa phần chỉ được chia làm 2 nhóm chính, bao gồm các trung tâm do nhà nước thành lập (có cả giáo dục trẻ khuyết tật) và các trung tâm tư nhân theo hình thức “giữ trẻ”.

Giáo dục trẻ đặc biệt mặc dù được quan tâm nhưng vẫn thiếu sự đầu tư bàn bản

Được đầu tư và mở rộng nhiều hơn, nhưng vẫn theo cách làm cũ

Không thể phủ nhận số lượng mở mới của các trung tâm trẻ đặc biệt ngày càng nhiều. Có những trung tâm nhanh chóng mở rộng 2-3 chi nhánh chỉ sau 1 năm hoạt động. Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ 44 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Theo Tổng cục Thống kê, trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ được sinh ra hằng năm. Nhưng đó chỉ mới là số liệu dành riêng cho trẻ tự kỷ, còn các tình trạng đặc biệt khác thì chưa được đề cập tới. Chính vì vậy mà số lượng các trung tâm trẻ đặc biệt phát triển ngày càng nhiều và gia tăng hàng năm, bất chấp tác động kéo dài của dịch bệnh.

Tuy nhiên, trẻ đặc biệt bao gồm nhiều nhóm tình trạng khác nhau như: trẻ tự kỷ, trẻ tăng động, trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ… Nhưng đa phần các trung tâm can thiệp hiện nay chỉ quan tâm nhiều hơn đến trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, mặc dù được mở mới với số lượng rất nhiều, đa phần các trung tâm vẫn hoạt động theo hình thức cũ và mang tính “giữ trẻ” nhiều hơn là “trị liệu”.

Để trị liệu cho trẻ đặc biệt, cần các giáo viên phải có tối thiểu 2 yếu tố tiên quyết là đủ sự kiên nhẫn và kiến thức chuyên môn. Xét về chuyên môn, số lượng các trường đào tạo văn bằng cho nhóm ngành Giáo dục trẻ đặc biệt hiện nay còn rất hạn chế, trong năm 2023 chỉ có duy nhất 3 trường tuyển sinh và đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt (2 trường ở Hà Nội và 1 trường ở TP. HCM). Chính vì vậy mà số lượng giáo viên có chuyên môn cho trẻ đặc biệt hiện đang thiếu trầm trọng tại Việt Nam, chưa kể những giáo viên có đủ cả 2 yêu cầu trên (kiến thức và kiên nhẫn) thì lại càng ít.

Số lượng giáo viên cho trẻ đặc biệt hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng

Cũng vì lý do đó, đa phần các trung tâm trẻ đặc biệt hiện vẫn duy trì chung một cách làm suốt nhiều năm nay là cho trẻ học ở chung 1 không gian phòng học như các trường học truyền thống, thay vì có phác đồ điều trị hay trị liệu phù hợp với tình trạng riêng của từng trẻ.

Chủ yếu là trường “giữ trẻ” thay vì trị liệu

Mặc dù nhận được sự quan tâm gần đây, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn chưa hiểu rõ thời điểm vàng để “trị liệu” cho con có các tình trạng đặc biệt. Khi gửi con, đa phần phụ huynh chỉ nhận thức rằng con mình đặc biệt nên không thể học ở các trường mầm non, mẫu giáo thông thường, mà phải đưa con đến trung tâm chuyên biệt. Tại các trung tâm cũng xuất hiện tình trạng thiếu giáo viên, mỗi thầy cô kèm 3-5 bạn, thậm chí nhiều hơn. Các phòng vận động cũng không được sử dụng đúng cách để phát triển “tâm vận động” cho trẻ, chỉ đơn thuần là vui chơi về mặt thể chất. Vì vậy mà các trung tâm trẻ đặc biệt hiện nay đa phần là “giữ trẻ” cả ngày, thay vì can thiệp sâu.

Nếu đồng hành cùng con lâu dài, phụ huynh sẽ hiểu được việc can thiệp và trị liệu cho con từ sớm là quan trọng đến thế nào. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm thì trẻ sẽ mau tiến bộ và có thể hòa nhập được, nhưng quá trình này phải đòi hỏi được can thiệp 1-1 và có phác đồ riêng cho từng trẻ, bài tập riêng, giáo trình riêng. Cũng chính vì lý do đó mà không ít các bài báo đưa tin về những người mẹ phi thường bỏ công việc ở nhà để đồng hành cùng con trong suốt nhiều năm trời, chỉ vì không tìm được trung tâm phù hợp.

Những bước đi thoát khỏi lối mòn đầu tiên

Tuy nhiên gần đây, thị trường giáo dục trẻ đặc biệt lại sôi nổi hơn với 2 cái tên rất mới và cách làm bước đầu đã thoát khỏi lối mòn của những trung tâm cũ, có sự đầu tư hơn rất nhiều.

Mở màn là không gian giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ Special Em’s Education Group (SEEG), bao gồm Trung tâm Quốc tế Chẩn đoán và Can thiệp sớm Rối loạn phổ tự kỷ (VICA) và Trung tâm Giáo dục Special Em’s (SEEC) của nghệ sỹ Thanh Bùi. Mặc dù vẫn là trung tâm nhắm vào phân khúc khách hàng chính là trẻ tự kỷ trong nhóm trẻ đặc biệt, song, SEEC mang đậm chất giáo dục, đậm chất chuyên môn hơn với những chuyên gia được tuyển chọn kỹ càng. Ngoài ra, việc xuất thân khác ngành của Thanh Bùi cũng phần nào giống Shark Việt trong việc mong muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dùng ở ngành đặc thù (với Shark Việt là dịch vụ trong bệnh viện, còn với Thanh Bùi là dịch vụ trong trường học cho phụ huynh). Đồng thời SEEC có tham vọng và lộ trình mô hình hóa, nhân rộng nhiều nơi, mặc dù chi phí còn khá cao.

Trung tâm Giáo dục Special Em của nghệ sĩ Thanh Bùi (trái) và Trung tâm Phát triển và Trị liệu Trẻ đặc biệt Little S (phải)

Tuy không được đầu tư nhiều vốn như SEEC, Trung tâm Phát triển và Trị liệu Trẻ đặc biệt Little S lại tạo được dấu ấn riêng khi sáng lập kênh Tik Tok phi lợi nhuận cùng tên Little S với nhiều triệu lượt xem và nhanh chóng đạt gần 30.000 Follower chỉ sau hơn 1 tháng. Little S dùng góc nhìn ở ngôi thứ nhất (góc nhìn của trẻ đặc biệt) để sáng tạo nên các nội dung rất viral trong giới trẻ, giúp xã hội thấu hiểu hơn các em đặc biệt và cũng nhận được vô số các bình luận tích cực.

Ngoài ra, Little S cũng để lại dấu ấn khác biệt trong việc công bố bài hội chẩn cho trẻ đặc biệt chuyên sâu đến 90 phút và chỉ nhận kèm 1-1, phối hợp với “tâm vận động” (khác vận động đơn thuần), đồng thời có giáo viên riêng được đào tạo chuyên biệt cho từng tình trạng của trẻ đặc biệt. Tuy nhiên, mô hình này sẽ đòi hỏi số lượng giáo viên rất lớn nên có thể Little S sẽ khó nhân rộng hơn các trung tâm khác rất nhiều.

Mặc dù vẫn còn những vướng mắc nhất định, nhưng 2 nhân tố mới trong ngành giáo dục trẻ đặc biệt đã cho thấy những tư duy rất sáng, khác lối mòn và sự đầu tư, tâm huyết của mình. Trong tương lai, giáo dục trẻ đặc biệt tại Việt Nam nên cần những hiệp hội để định hướng và chia nhau thị trường ở từng mảng chuyên biệt giúp tăng độ hiệu quả, chuyên sâu cho quá trình trị liệu.

 

 

MBA Mai Nguyễn Hoàng Nam

Gia Đình