Nữ doanh nhân tìm thấy nhiệt huyết từ tăng trưởng bền vững

Nữ doanh nhân tìm thấy nhiệt huyết từ tăng trưởng bền vững

Tốt nghiệp loại Giỏi từ Đại học RMIT khi mới hơn 20 tuổi, làm việc gần chín năm cho hai doanh nghiệp đa quốc gia trước khi thành lập công ty tư vấn của riêng mình năm 29 tuổi – Bình Lê Vandekerckove đã tìm thấy sứ mệnh đích thực khi trở thành một doanh nhân vì sự phát triển bền vững.

Làm việc với hơn 250 doanh nghiệp để tư vấn hơn 110 dự án với tổng giá trị vượt 4,5 tỷ đô la Mỹ – những con số mà bất kỳ nhà tư vấn chuyên nghiệp nào cũng sẽ tự hào nếu được thêm vào hồ sơ năng lực của mình.

Còn đối với bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART, những con số này không chỉ là minh chứng cho sự nghiệp 14 năm thành công trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, mà còn kể câu chuyện về hành trình tìm thấy chính mình và vượt qua thành kiến của xã hội về các bà mẹ trẻ đi làm.

Bà Bình Lê Vandekerckove là Nhà sáng lập và Tổng giám đốc của Công ty Tư vấn thương vụ ASART, đồng thời là cựu sinh viên Đại học RMIT Việt Nam khóa tốt nghiệp năm 2009.

Bà Bình nhớ lại: “Những năm 20 tuổi, tôi từng làm việc cho các doanh nghiệp lớn, tham gia vào những dự án quan trọng và kiếm được nhiều tiền hơn đa số bạn bè cùng trang lứa. Tôi đã có được hồ sơ năng lực trong mơ và đạt được mọi thứ tôi hằng mong ước, nhưng dường như vẫn còn thiếu một điều gì đó. Bây giờ nhìn lại, việc có một khởi đầu sớm và quy củ không có nghĩa rằng tôi đã có đầy đủ hành trang để đối mặt với cuộc sống”.

Bước ngoặt đến khi vợ chồng bà Bình chuẩn bị đón con đầu lòng và bác sĩ thông báo rằng họ có thể sẽ phải đưa ra một quyết định rất khó khăn do biến chứng trong thai kỳ.

“Những điều mà trước kia chúng tôi từng coi là vấn đề bỗng trở nên vô cùng nhỏ nhặt so với những gì chúng tôi phải đối mặt khi đó”, bà nhớ lại.

“Khoảng thời gian đó, tôi cũng nhận ra rằng dù mọi người có nói về bình đẳng giới và công bằng nhiều như thế nào đi chăng nữa thì đa số chúng ta vẫn không cho rằng phụ nữ mang thai và các bà mẹ trẻ có thể làm tốt công việc nơi công sở”.

Bỏ lại sự nghiệp ổn định khi con đầu lòng mới bốn tháng tuổi, bà Bình thành lập công ty riêng để làm công việc mà bà am hiểu nhất với tầm nhìn mà bà tâm huyết nhất.

“Tôi quyết định xây dựng một nơi làm việc lý tưởng cho riêng mình, nơi tính bền vững dẫn lối cho mọi hoạt động”.

Một số cựu sinh viên tiêu biểu của Đại học RMIT tham dự lễ khai trương văn phòng mới của ASART cùng bà Bình (thứ hai từ trái trong hình).

Thách thức lớn nhất ban đầu đối với bà là tạo nên tính đột phá trong mô hình kinh doanh tư vấn. Đây được coi là một trong những ngành nghề lâu đời nhất, nơi các thương hiệu đa quốc gia thống trị thị trường.

“Việc tôi xây dựng một công ty tư vấn giống như một đứa trẻ giao đấu với các đô vật sumo vậy”, bà Bình nói đùa.

“Hiện nay chúng ta được nghe nhiều về kinh doanh bền vững và ESG [môi trường, xã hội, quản trị], nhưng năm năm trước, khi tôi thành lập ASART để tư vấn trong lĩnh vực này thì các khái niệm trên vẫn còn rất mới ở Việt Nam”.

“Tăng trưởng bền vững cũng là nguyên tắc nền tảng để chúng tôi vận hành chính doanh nghiệp của mình. Chúng tôi đã áp dụng nguyên tắc này vào mọi khía cạnh hoạt động ngay từ ngày đầu thành lập. Vì vậy, đây là thách thức kép”.

“May mắn thay, những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp và giờ đây tăng trưởng bền vững đã trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi trên thị trường”.

Bà Bình chia sẻ rằng, việc áp dụng tư duy bền vững vào thực tiễn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ và đơn giản nhất. Ví dụ: không “mua” người theo dõi trên các mạng xã hội để thổi phồng danh tiếng của doanh nghiệp, không quảng cáo mức lương hằng tháng cao nhưng không đi kèm bất kỳ hỗ trợ nào khác về mặt phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho nhân viên, không báo giá thấp để giành được gói hợp đồng rồi sau đó tính thêm phụ phí cho khách hàng, sử dụng càng nhiều vật liệu bền vững càng tốt khi xây dựng văn phòng và tổ chức sự kiện, v.v.

“Chúng tôi có lẽ là công ty tư vấn đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dựa trên nguyên tắc nền tảng là tăng trưởng bền vững. Tôi từng lo lắng rằng liệu theo đuổi tăng trưởng bền vững một cách nghiêm ngặt có hiệu quả và nhận được sự ủng hộ hay không”, bà Bình cho biết.

“Ngày nay, ASART đã lớn mạnh hơn cá nhân tôi rất nhiều. Chúng tôi là một đội ngũ vững chắc, có mạng lưới mạnh và được công nhận là một trong những đơn vị tư vấn tốt nhất với các giao dịch và dự án hàng đầu tại Việt Nam. Nếu công ty chúng tôi thành công – tức là tiếp tục tồn tại ngay cả khi thế hệ hiện nay không còn – thì đây cũng sẽ là một di sản khiến không chỉ tôi mà tất cả đội ngũ công ty tự hào”.

Bà Bình phát biểu trong một phiên tọa đàm tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022

Bên cạnh việc điều hành doanh nghiệp và nuôi dạy hai con nhỏ, bà Bình còn tình nguyện dành thời gian làm Phó chủ tịch hai ủy ban thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) và thành viên của Ban cố vấn Cựu sinh viên RMIT.

Bà thừa nhận mình từng không quan tâm nhiều đến việc kết nối với cộng đồng cựu sinh viên RMIT khi mới tốt nghiệp. Khi đó, bà thi thoảng quay trở lại đóng góp cho nhà trường nhưng không thực sự hoạt động tích cực.

“Nhưng trong những năm gần đây, cộng đồng cựu sinh viên đã xích lại gần nhau hơn nhiều do nhà trường chủ động tiếp cận. Chỉ trong hai năm trở lại, nhờ cộng đồng cựu sinh viên RMIT mà công ty chúng tôi đã thu hút được thêm nhiều ứng viên khi tuyển dụng, cũng như ký kết hợp tác được với một khách hàng mới và một nhà cung cấp mới, đồng thời kết nối với những người bạn, người đồng nghiệp tuyệt vời, luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần”, bà Bình chia sẻ.

“Tôi nghĩ cộng đồng cựu sinh viên là một diễn đàn rất an toàn và hữu ích không chỉ dành cho các bạn trẻ mới đi làm mà cả những người giàu kinh nghiệm. Tại đây, họ không chỉ tìm kiếm được các cơ hội tốt mà còn xây dựng được hệ sinh thái hỗ trợ và mở rộng vòng kết nối bạn bè”.

Cùng với mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp của mình, bà Bình cũng tâm huyết góp phần phát triển một hệ thống công bằng hơn cho các bà mẹ đang mang thai và đang đi làm.

“Các bà mẹ đang mang thai và đang đi làm không nên bị phân biệt đối xử hay bị coi là ‘gánh nặng’. Nếu có hệ thống hỗ trợ phù hợp xung quanh, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ sẽ được phát huy tối đa và họ sẽ có nhiều động lực tốt hơn để cống hiến và trở thành những tài sản đáng giá hơn cho doanh nghiệp và tổ chức”.

 

GĐHĐ

Gia Đình