THIỆN, ÁC VÀ BỨC XÚC THỜI ĐẠI Ai là người tử tế giữa muôn vàn cách xử thế?
Bộ sách của tác giả Đặng Hoàng Giang đã ra mắt cách đây khoảng 10 năm, thế nhưng trong thời đại của những sự chuyển biến xã hội liên tục, các vấn đề được bàn đến trong “Bức xúc không làm ta vô can” và “Thiện, ác và smartphone” vẫn khiến độc giả phải suy ngẫm.
Trong thời đại của những thay đổi xã hội gấp gáp, liên quan tới từ môi trường, kinh tế, đến sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức lớn về đạo đức, trách nhiệm cá nhân và ý thức cộng đồng. Trong bối cảnh đó, bạn có bao giờ tự hỏi:
- Liệu chỉ bức xúc có đủ để thay đổi xã hội, hay nó chỉ là một sự vuốt ve lương tâm và chứng tỏ ta ưu việt?
- Liệu Internet và mạng xã hội có đang khiến cộng đồng trở nên độc ác hơn, và ta có thể làm gì để thoát khỏi điều này?
Bộ sách Thiện, ác và bức xúc thời đại, gồm Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, ác và smartphone, không dành cho những ai muốn lẩn tránh hay thờ ơ với thực tại. Hai cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang, nay được tái bản có bổ sung bởi Thái Hà Books, không chỉ là những quan sát sắc bén và những phân tích sâu sắc về quan điểm đạo đức, những bất công, bất bình đẳng và cấu trúc quyền lực trong xã hội hiện đại. Chúng còn là lời kêu gọi mỗi cá nhân tự vấn về vai trò và trách nhiệm của bản thân. Qua từng trang sách, tác giả như đang đặt ra câu hỏi khiến chúng ta phải cùng nhau suy ngẫm: Ai là người tử tế giữa muôn vàn cách xử thế?
Liệu bức xúc có đủ để thay đổi thời cuộc?
Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ, khi đọc lại các bài viết trong Bức xúc không làm ta vô can sau gần 10 năm xuất bản, anh không biết nên vui hay buồn vì chúng vẫn còn vô cùng thời sự. Ví như, khi viết “Rồi tất cả sẽ thành Đồ Sơn”, tác giả không thể hình dung Phú Quốc, Tam Đảo và Đà Lạt sẽ bị băm nát một cách nhanh chóng như vậy, với Bà Nà và Cát Bà đang theo chân. Hay gần nhất là về những cụm từ “phông bạt” nổi rầm rộ trên khắp các diễn đàn xã hội, ai ngờ rằng người ta sẽ photoshop biên lai chuyển khoản ngân hàng cho từ thiện, thêm vào một vài con số để nhận được nhiều sự tung hô, sau bài viết “Từ thiện câu like”…
Phiên bản mới của Bức xúc không làm ta vô can sẽ thêm một chương về chủ nghĩa thiên vị ngoại hình (lookism), chia sẻ quan sát của tác giả về sự ưu ái, thiên vị những người có ngoại hình đã và đang len lỏi trong các ngóc ngách của xã hội như thế nào. “Chủ nghĩa thiên vị ngoại hình tạo ra những bất bình đẳng và bất công. Khi còn nhỏ, học sinh có ngoại hình tốt được giáo viên ưu ái hơn. Lớn lên, người có ngoại hình ưa nhìn dễ xin việc hơn, nhận được mức lương cao hơn, dễ được đề bạt hơn.” Để thấy rằng, chúng ta đang tạo ra các hệ lụy xã hội như thế nào khi chạy theo bản năng, đánh giá cao năng lực và phẩm chất của người có ngoại hình tốt, và ở chiều ngược lại, đánh giá thấp, thậm chí kỳ thị người lùn, người quá béo, quá gầy, người khuyết tật, và tước đi cơ hội phát triển, cũng như đóng góp cho cộng đồng của họ.
27 bài bình luận là những hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa phổ thông quanh ta: đi du lịch, làm từ thiện, phẫu thuật thẩm mỹ hay truyền hình thực tế. Bằng ngòi bút sắc sảo, hài hước và tư duy phản biện, đa chiều, tác giả giúp chúng ta đi xuyên qua bề mặt của các hiện tượng, đặt câu hỏi về những điều tưởng như hiển nhiên, hiểu hơn về cơ chế vận hành của chúng, và về những hệ lụy mà chúng tạo ra cho cộng đồng.
Tiếng nói của những người tử tế
Nhà báo, tác giả Trương Anh Ngọc từng nhận định về Thiện, ác và smartphone thế này: “Tôi luôn thích cách đặt vấn đề của Đặng Hoàng Giang. Những góc nhìn rất đa dạng và khách quan của anh vào vấn đề của cuộc sống và xã hội Việt Nam chắc chắn khiến những người có lương tri và trái tim không khỏi suy nghĩ.”
Cuốn sách đã phác họa sắc nét chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, khiến chúng ta rung mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó. Nhưng đồng thời, những phân tích thấu đáo cũng buộc chúng ta phải đối diện với bản thân, và giật mình nhận ra đôi khi chính mình cũng đang góp phần nào ra bức chân dung đó, để hủy hoại người khác và hủy hoại bản thân. Không dừng lại ở đó, tác giả còn chỉ ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của lòng trắc ẩn. Để luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc.
Không chỉ nêu lên hiện tượng, Thiện, ác và smartphone còn đưa ra nhiều tầng phân tích để giải thích những cơn bão lăng nhục này hình thành và phát triển như thế nào, những cơ chế tâm lý, những ẩn ức nào nằm sau chúng, và chúng phá hủy nạn nhân ra sao. Hiểu được nguồn cơn và hệ lụy sẽ giúp chúng ta cảnh giác, để ta tránh trở thành một phần của đám đông cuồng nộ kia, và ta giúp người khác cũng làm vậy.
Với lần tái bản này, tác giả Đặng Hoàng Giang đã giới thiệu thêm với độc giả một công cụ mà anh mới khám phá ra trong mấy năm gần đây là giao tiếp phi bạo lực, hay giao tiếp trắc ẩn (nonviolent communication). Cùng chia sẻ: “Thú vị là để dùng công cụ này ta bắt đầu bằng cách hiểu chính mình: ta phải nhận biết và biểu đạt được cảm xúc và nhu cầu của mình. Điều này có thể lạ lẫm với nhiều người Việt, bởi chúng ta đã quen với những căn dặn là ta phải nhịn, phải nhẫn, phải bỏ qua nhu cầu của mình, phải không được để cảm xúc của mình làm phiền người khác. Nhưng tôi tin tưởng rằng công cụ này có thể giúp ta dần hoá giải sự độc hại và đứt gãy trong các quan hệ gia đình hay ở nơi làm việc. Tin tốt là gần đây đã có những cá nhân và tổ chức (được giới thiệu trong sách) âm thầm lan tỏa triết lý giao tiếp này trong cộng đồng và giúp chúng ta bắt tay vào thực hành nó.”
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!