Kinh nghiệm ứng phó với hàng giả, hàng kém chất lượng

Kinh nghiệm ứng phó với hàng giả, hàng kém chất lượng
Hiện nay, thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… đã và đang diễn ra rất phức tạp, gây ra nhiều hậu quả và hệ lụy cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Vấn nạn này đã được xem là Quốc nạn hiện nay và thời gian qua đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Trong đó, Quỹ Chống hàng giả (ACF) là Quỹ tài chính duy nhất tại Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực tài chính, tài sản, vật chất của xã hội vào hoạt động chống hàng giả vì một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh.

Đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị thông tấn báo đài đã tham gia Hội nghị.

Vì vậy, Hội nghị xúc tiến Chống hàng giả – 2018 do Quỹ ACF tổ chức nhằm cập nhật thông tin đến các Doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn 32 tỉnh, thành phía Nam về tình hình, thực trạng cũng như giải pháp trong việc ứng phó với vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Thông qua đó, hội nghị còn tạo ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu chia sẻ giữa các chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước với lãnh đạo Sở, Ban ngành, các cơ quan chức năng,… nhằm gia tăng kết nối và sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong phòng, chống hàng giả hiện nay.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục C03/ Bộ Công An, Cục A69/ Bộ Công an, Tổng Cục Quản lý Thị trường /Bộ Công thương, Cục điều tra Chống buôn lậu /Tổng cục Hải quan, Quản lý thị trường, Đại diện Sở Công thương và TTXT thương mại của 10 Tỉnh, Thành, Đại diện UBND và Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Hiệp Hội và các hội doanh nghiệp cùng 150 Doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Tri Thắng – Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Quỹ ACF phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong phần phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tri Thắng – Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Quỹ ACF đã khẳng định: “Hội nghị này sẽ là tiền đề để tiếp tục tổ chức Hội nghị ở các tỉnh, thành. Và không chỉ làm hội nghị mang tính chất diễn đàn chung mà định hướng thực hiện các Hội nghị chuyên đề đi vào từng lĩnh vực, đưa ra các giải pháp cụ thể để chống hàng giả một cách tích cực và được sự đồng hành, bảo hộ thương hiệu, cầu nối các doanh nghiệp Việt Nam để bảo vệ thị trường.

Có thể nói chúng ta đang sống trong bối cảnh chưa lúc nào trong lịch sử, sự hội nhập kinh tế sâu và rộng như hiện nay. Hàng loạt hiệp định, nghị định song phương, đa phương đã ký kết và có hiệu lực thực thi. Và có thể nói cũng chưa lúc nào đặt ra việc là cuộc cách mạng khoa học lần 4 mạnh mẽ và dự báo sẽ thay đổi rất nhiều các lĩnh vực trong đời sống kinh tế. Trong bối cảnh ấy, hàng gian hàng giả trở thành vấn nạn lớn, được xem như là một quốc nạn. Và cả hệ thống chính trị vào cuộc để đồng hành và xử lý…

Quỹ ACF là Quỹ tài chính duy nhất tại Việt Nam, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; Quỹ ACF huy động mọi nguồn lực tài chính, tài sản, vật chất của xã hội vào hoạt động chống hàng giả vì một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh. Quỹ đã có 15 chương trình hành động quyết liệt và đề ra 3 nhóm giải pháp đồng bộ và đồng hành cùng doanh nghiệp: tư vấn pháp lý, tư vấn khoa học công nghệ, tư vấn truyền thông…”.

Ông Nguyễn Quốc Phú – Cố vấn Quỹ ACF, Chủ tịch Hội đồng Global Malls.

Tại Hội nghị, ông Hồ Quang Thái – Phó Chủ tịch thường trực Quỹ ACF đã có bài giới thiệu tổng quan về Quỹ chống hàng giả ACF. Trong đó, Quỹ ACF hoạt động với tôn chỉ: Là tổ chức xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm huy động mọi nguồn lực tài chính, tài sản, vật chất của xã hội vào hoạt động chống hàng giả, vì một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh.

Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, truyền hình đồng hành tuyên truyền về phòng, chống hàng giả; chi khen thưởng cho các tổ chức, cơ quan thực thi pháp luật và các cá nhân có thành tích phòng, chống hàng giả; chi tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị về công tác chống hàng giả.

Tại Hội nghị, ông Võ Hưng Sơn – Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM đã trình bày tham luận về vấn đề “Quyền Sở hữu trí tuệ đối với Nhãn hiệu: Vai trò, Thủ tục đăng ký và các biện pháp bảo vệ quyền”. Trong tham luận này, ông Sơn đã khái quát về Hệ thống quyền Sở hữu trí tuệ, bao gồm: Quyền tác giả và Quyền liên quan, Quyền Sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng.

Ông Sơn cũng trình bày trước Hội nghị các căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, giá trị nhãn hiệu, căn cứ xác lập quyền đối với nhãn hiệu, các vấn đề liên quan đến việc xác lập quyền Sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu và các thủ tục liên quan đến công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.

Tham gia tham luận tại Hội nghị, ông Mai Quyết Thắng (Chương trình Alo389, Ban Chuyên đề, Truyền hình CAND) phát biểu: “Ngày 15/03/2018, Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân nay là Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ công an và Quỹ Chống hàng giả Việt Nam ACF đã tổ chức Lễ ký kết phối hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống hàng giả. Đây là cơ sở, là nền tảng quan trọng để hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong công tác thông tin, tuyên truyền về chống hàng giả tới các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội được sâu rộng hơn, tạo được sự đồng thuận trong xã hội tích cực tham gia phòng, chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngày hôm nay, tham dự Hội nghị xúc tiến chống hàng giả 2018 do Quỹ Chống hàng giả Việt Nam chủ trì tổ chức, Truyền hình CAND một lần nữa khẳng định sự đồng hành của mình với các cơ quan chức năng và những doanh nghiệp chân chính trong nỗ lực đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng; Tuyên truyền những mô hình hay, cách làm đúng và phát hiện, đấu tranh, góp phần đẩy lùi những hành vi làm giả hàng hóa, xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.”

Ông Nguyễn Thế Tiệp với tham luận giải pháp ứng dụng tem truy xuất bảo mật quản trị chuỗi cung ứng chống hàng giả và bảo hành điện tử.

Một trong những tham luận gây chú ý của Hội nghị là vấn đề làm thế nào để chống được hàng giả. Vấn đề này đã được ông Nguyễn Thế Tiệp – Viện Phó Viện Kĩ thuật chống hàng giả trình bày qua giải pháp ứng dụng tem truy xuất bảo mật quản trị chuỗi cung ứng chống hàng giả và bảo hành điện tử.

Sử dụng loại tem truy xuất bảo mật này sẽ giúp số hoá dữ liệu cơ sở sản xuất chế biến, cấp mã số định danh cho cơ sở sản xuất – chế biến, số hoá thông tin nhật ký sản xuất quản lý hoạt động sản xuất – chế biến, đăng nhập trực tiếp qua smartphone không cần soi mã.

Tem truy xuất hàng giả được dùng cho nhiều ứng dụng khác nhau như: ứng dụng nhật ký điện tử hỗ trợ kỹ thuật quản lý sản xuất, ứng dụng cho đơn vị chế biến, ứng dụng dành cho đơn vị quản lý kiểm dịch, ứng dụng cho nhà quản lý, ứng dụng dành cho đơn vị vận chuyển, ứng dụng cho nhà phân phối, ứng dụng xác thực sản phẩm chính hãng.

Đây là loại tem có phương pháp bảo mật cao vì mỗi sản phẩm là một mã định danh duy nhất, chỉ thuộc về một ai đó theo thời gian thực thông qua xác nhận giao dịch điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thông qua các bộ lọc thông minh…

Đại diện Quỹ ACF và đại diện Cty Global Malls ký thỏa thuận hợp tác.

Ông Hồ Quang Thái (Phó Chủ tịch Quỹ ACF) đã công bố thỏa thuận hợp tác giữa Quỹ chống hàng giả và các doanh nghiệp, trong đó, bao gồm: Mục tiêu hợp tác, Nội dung hợp tác, Trách nhiệm của mỗi bên, Cơ chế hợp tác, Đầu mối liên lạc và Các điều khoản về thời hạn hiệu lực, sửa đổi và chấm dứt thỏa thuận hợp tác. Theo đó, đại diện Quỹ ACF là ông Nguyễn Tri Thắng và đại diện Công ty Cổ phần Global Malls đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Tặng hoa cảm ơn các đơn vị tài trợ, bảo trợ và đồng hành cùng chương trình

“Hội nghị xúc tiến chống hàng giả 2018” do Quỹ Chống hàng giả phối hợp với Truyền hình ANTV, Báo Thương hiệu & Công luận và Công ty Cổ phần Truyền thông tiếp thị thương hiệu Sài Gòn Biz tổ chức đã diễn ra ngày 23/11/2018, tại Khách sạn Rex, quận 1, TP.HCM.

 

Minh Đăng

 

Gia Đình