Tìm hiểu nhân quả

Tìm hiểu nhân quả

Nhân quả là định luật khách quan và phổ biến. Nó chi phối tất cả mọi sự vật hiện tượng từ thế giới vật lý đến thế giới tâm lý. Mọi người ai cũng đều hiểu nhân quả theo chiều hướng “ác giả ác báo, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão”. Về phương diện nào đó, lộ trình vận hành từ nhân đến quả như vậy không sai nhưng cách hiểu ấy chưa đầy đủ và thấu đáo, nên dễ dẫn đến sự ngờ vực về nhân quả khi thấy cuộc sống biểu hiện ra muôn hình vạn trạng theo chiều hướng của riêng nó, mà nhãn quan hạn hẹp của con người chưa hiểu thấu. Khi nhìn thấy những kẻ xấu ác vẫn đang dương dương tự đắc, còn những người hiền thiện lại gặp trắc trở khó khăn thì chúng ta sinh tâm nghi ngờ. Từ việc nghi ngờ nhân quả, con người dễ đánh mất niềm tin vào điều tốt đẹp và hành động theo bản năng để thỏa mãn tư dục của mình. Trong thế giới nhiễu nhương ngày nay, để làm người tử tế và chân thật là điều vô cùng khó khăn, và nếu khó khăn như vậy mà không được lợi ích gì thì tại sao chúng ta phải chọn lựa con đường đó?

Thực tế, câu chuyện nhân quả không chỉ dừng lại ở trong một đời người mà nó liên hệ đến ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Hơn nữa, quy luật nhân quả không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân nào đó trước mắt mà nó còn liên hệ chằng chịt đến vạn vật trong vũ trụ và cộng hưởng bởi nghiệp thức chung của toàn nhân loại. Nhân quả là quy luật của tự nhiên và chi phối toàn bộ thế giới này, không ai có thể thoát khỏi nhân quả. Làm việc tốt chắc chắn sẽ được báo đáp xứng đáng, gây điều xấu ắt sẽ lãnh chịu quả báo khổ đau, vấn đề quan trọng là nằm ở yếu tố thời gian mà thôi.

Trong cuốn sách Tin hiểu nhân quả này, tác giả sẽ lý giải thấu đáo sự vận hành của nhân quả như một định luật khách quan, không mê tín, không thiên kiến, cũng như cách áp dụng nhân quả vào đời sống thực tiễn thường ngày để chúng ta tránh được những rủi ro làm tổn hại thân tâm. Hiểu rõ nhân quả để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và cộng đồng xã hội.

Nhân quả là sự thật, mang tính khách quan và phổ biến. Cho dù con người có tin hay không thì quy luật nhân quả vẫn vận hành theo cách riêng của nó. Tin hiểu nhân quả là chúng ta hiểu đúng về quy luật của đời sống, để có thể chọn lựa cho mình một lối sống tích cực, thuận hòa với môi trường tự nhiên và xã hội, giữ cho mình một tâm thái an nhiên trước mọi nghịch cảnh hay trở ngại của cuộc đời. Có như thế, chúng ta mới nuôi dưỡng cho mình một tinh thần sống lạc quan, rèn luyện một bản lĩnh sống khí khái, thiện lành, tự tại và thuần hậu.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

Trích dẫn từ sách:

Thế giới loài người hiện nay có hai quan niệm về niềm tin đang tồn tại: chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh. Người theo duy vật luận cho rằng thế giới này được hình thành bằng những yếu tố vật chất cân đo đong đếm được, ngoài ra không có gì tồn tại nữa. Thứ duy nhất có thể thực sự được coi là tồn tại là vật chất; về căn bản, mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất. Khoa học sử dụng một giả thuyết, đôi khi được gọi là thuyết tự nhiên phương pháp luận, rằng mọi sự kiện quan sát được trong thiên nhiên được giải thích chỉ bằng các nguyên nhân tự nhiên mà không cần giả thiết về sự tồn tại hoặc không tồn tại của cái siêu nhiên. Với vai trò một học thuyết, chủ nghĩa duy vật thuộc về lớp bản thể học nhất nguyên. Như vậy, nó khác với các học thuyết bản thể học dựa trên thuyết nhị nguyên hay thuyết đa nguyên. Xét về cách giải thích cho hiện tượng thực tại, chủ nghĩa duy vật đứng ở vị trí đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa duy tâm. Từ vũ trụ vạn vật đến chúng sinh, người theo duy vật luận coi trọng tấm thân vật lý đang vận hành, còn lại tinh thần chỉ là sự phụ thuộc vào thân vật lý. Hay nói cách khác, vật chất quyết định ý thức. Họ cho rằng sau khi chết thân xác con người trở thành cát bụi, không tồn tại yếu tố tinh thần nào. Do quan niệm không có kiếp trước kiếp sau nên nhiều người chỉ lo vun vén cho mình, tranh danh đoạt lợi, không tin nhân quả, không biết ơn và đền ơn người đi trước, thậm chí còn gây khổ đau cho người, gây ô nhiễm cho môi trường sống.

Thuyết duy linh được rút ra từ chữ La-tinh anima nghĩa là “linh hồn”. Nó có thể được định nghĩa như là một niềm tin về thế giới vạn vật đều có linh hồn, vạn vật hữu linh, hoặc linh hồn cho những vật vô tri, bao gồm cả niềm tin cho rằng người chết cũng có thể đang sống. Thuyết duy linh cho rằng sau khi chết, linh hồn con người tiếp tục sống trong tình trạng thuộc về thần linh. Linh hồn đó lẩn quẩn gần khu vực mà người chết đã sống trước đây. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy linh, có một quyền lực siêu nhiên tồn tại, nhưng quyền lực đó không phải là một Thượng đế mang tính cá thể. Thế giới này tồn tại các linh hồn, tức rất nhiều năng lực vô hình tồn tại. Chúng có khả năng chi phối mọi sự vật hiện tượng, kể cả đời sống chúng ta cũng bị phụ thuộc vào uy lực của chúng. Linh hồn cư trú ngoài đồi núi, nơi hang đá, gốc cổ thụ, bìa rừng ven suối, và nơi bầu không khí xung quanh ta cũng như tồn tại bàng bạc trên trời cao. Thú vật, cây cối, chim chóc và các sự vật hiện tượng thiên nhiên khác đều có linh hồn. Họ tin rằng tất cả thiên nhiên đều bị các hữu thể thuộc thần linh chiếm đóng và chúng rất đông đúc.

Người theo thuyết duy linh xem tinh thần là nguyên lí cơ bản của hiện thực, là thực thể vô hình đặc biệt, tồn tại độc lập với vật chất. Họ có khuynh hướng lo sợ khi quyền lợi cá nhân bị đe dọa rồi cầu khẩn thần linh giúp cuộc sống mình được yên ổn.

Tin nhân quả là tin vào mối quan hệ giữa nguyên nhân gây tạo và kết quả nhận lãnh. Như khi nghe tiếng chuông vang lên thì biết có người đánh chuông, dùng que diêm quẹt thì sẽ có ngọn lửa bùng lên, tôi vay anh một triệu đồng thì tôi phải trả anh một triệu đồng, thậm chí còn trả thêm lãi suất, nếu chăm lo tập luyện thể dục hằng ngày thì thân thể sẽ khỏe mạnh, cường tráng v.v. Đây là quy luật nhân quả ai cũng nhận thức được bằng kinh nghiệm thực tiễn. Mối quan hệ nhân quả này được vận hành ở phương diện dương tính, tức mặt biểu hiện, mang tính cơ khí, giản đơn. Đa số người đời chỉ nhận thức nhân quả ở phương diện biểu hiện dương tính này.

Bên cạnh đó, nhân quả còn vận hành ở phương diện âm tính, tức mặt ẩn tàng, vi tế khó trắc lượng. Sự biểu hiện nhân quả ở mặt dương tính chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mối quan hệ nhân quả trùng trùng của vũ trụ vạn hữu. Như tảng băng trôi trong đại dương, phần mỏm nổi lên trên mặt nước chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng thể quy mô của tảng băng chìm. Cả tảng băng chìm nằm phía dưới mặt nước là phần ẩn tàng, tức vận hành ở phương diện âm tính. Tuy phần chìm dưới mặt nước không ai thấy được nhưng nó có năng lực chuyển tải mỏm băng, quyết định cả tảng băng trôi về phương nào. Phương diện âm tính của nhân quả trong đời sống cũng vậy, tuy khó đoán khó dò nhưng nó luôn vận hành âm thầm đằng sau chúng ta, nó quyết định mọi hiện hữu của sự vật hiện tượng quanh ta, nó chi phối cả cuộc sống vui buồn, giàu nghèo, được mất, thiện ác… của chúng ta. Nhân quả theo mặt âm tính còn vận hành trong vô thức chúng ta, hoạt động trong giấc mơ khi chúng ta đang ngủ.

Thí dụ, tôi mượn anh một triệu đồng nhưng tôi không trả, anh có thể nhờ công an hoặc pháp luật can thiệp kịp thời để bắt tôi phải trả nợ. Nhưng khi tôi nợ anh một triệu đồng mà tôi cố tình không trả, qua thời gian sau anh quên luôn số tiền đó. Anh quên số tiền tôi mượn không có nghĩa là món nợ này đã được xóa bỏ. Mặc dù cái quả tôi không trả trực tiếp cho anh lúc ấy nhưng khoảng 10 năm, 20 năm sau, thậm chí kiếp sau tôi sẽ gặp một biến cố trong cuộc đời mà nó tiêu phí của tôi đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Vậy thứ nhân quả này nó vận hành theo chiều âm của nó. Do không biết nhân quả vận hành theo chiều âm nên khi bị thiệt hại hàng trăm triệu, tôi cho rằng xui rủi của tôi xảy ra là ngẫu nhiên. Mọi thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau; trở thành vợ chồng, cha con trong gia đình; bạn bè, thầy trò, đồng nghiệp ngoài xã hội không phải ngẫu nhiên mà có. Các mối liên hệ này vận hành vô hình theo âm tính của chúng mà chúng ta không thể thấy được. Thói quen con người nói chung là không tin những gì chưa thấy, nên khi mọi thứ xảy ra quanh mình thì thắc mắc, nghi ngờ. Khi ném một viên sỏi xuống mặt hồ tĩnh lặng, những đường tròn đồng tâm sẽ nối nhau lan rộng ra xung quanh rất xa với những bước sóng nhất định của chúng, nhưng mắt thường chúng ta chỉ nhìn thấy những vòng tròn gần nhất với tâm điểm mà không nhìn thấy những vòng tròn lan xa tâm điểm.

Đức Phật thường dạy mối quan hệ nhân quả mầu nhiệm, vi tế, không thể nghĩ bàn. Trong phẩm Đẳng kiến, kinh 2, thuộc Tăng nhất A-hàm có thuật lại câu chuyện nhân quả xảy ra thời đức Phật cho dòng họ Thích. Thành Ca-tỳ-la bị vua Tỳ-lưu-ly nước Kosala xâm lược, bắt giết hầu hết dòng tộc Thích-ca, bắt 500 phụ nữ xinh đẹp cắt hết chân tay ném vào hầm sâu, mà đức Phật cũng không thể cứu được dòng họ của mình. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đệ tử Phật thắc mắc vì sao có chuyện này.

Đức Phật giải thích: “Thời ấy, gặp lúc đói kém, người ăn rễ cây, một thăng vàng đổi một thăng gạo. Trong thôn lúc đó có một hồ nước lớn, lại nhiều cá. Mọi người dân trong thành Laduyệt đến nơi hồ, bắt cá ăn. Vào lúc đó, trong hồ có hai giống cá, một gọi là câu tỏa (cá móc câu), hai gọi là lưỡng thiệt (cá hai lưỡi?). Lúc ấy, hai giống cá nói với nhau: ‘Đối với những người này, trước đây chúng ta không có lỗi lầm. Ta là loài thủy tánh, không ở đất khô. Những người dân này đều đến ăn thịt chúng ta. Bao nhiêu phước đức chúng ta có đời trước, nay sẽ dùng để báo oán này’. Tỳ-kheo nên biết, các ngươi chớ nghĩ nhân dân trong thành La-duyệt lúc bấy giờ há là người nào khác, mà nay chính là họ Thích. Cá câu tỏa bấy giờ nay là vua Lưu-ly. Cá lưỡng thiệt bấy giờ thì nay là Bà-la-môn Hảo Khổ… Bấy giờ họ Thích ngồi bắt cá ăn. Vì nhân duyên này, nên trong vô số kiếp vào trong địa ngục, nay phải chịu báo này… Này các tỳ-kheo, đó gọi là vì nhân duyên này, nay chịu báo này. Các tỳ-kheo hãy giữ thân, miệng, ý hành, hãy niệm cung kính, thừa sự người phạm hạnh”.

Nguồn: thaihabooks.com

https://thaihabooks.com/san-pham/tim-hieu-nhan-qua/

 

 

Gia Đình